Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và thảm họa

Trong những ngày qua, khi những bức tường bình dị của Trường THPT Phan Đình Phùng nằm trên con phố cùng tên, được mệnh danh là thơ mộng nhất của Hà Nội bỗng dưng được khoác áo mới bằng hàng chục tranh bích họa tươi sắc, đã một lần nữa khơi lại cuộc tranh luận về không gian nghệ thuật nơi công cộng. Ranh giới giữa nghệ thuật và bôi bẩn không được đo bằng ý chí…

Trên thế giới, trào lưu sáng tạo không gian nghệ thuật công cộng với loại hình bích họa cũng được ưa chuộng và được ghi nhận như một bước tiến mới trong nghệ thuật khi góp phần tích cực làm cuộc sống tốt đẹp lên.

Tại Dải Gaza ở Palestine, các họa sĩ đã thực hiện nhiều bức bích họa lên vách nhà của các khu dân cư với màu sắc rực rỡ, giúp người Palestine quên đi nỗi đau, nỗi buồn chiến tranh đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

Tại Rio de Janeiro ở Brazil, bích họa với màu sắc rực rỡ trên vách nhà của các cư dân khu ổ chuột giúp họ quên bớt cuộc sống nghèo khổ và có thêm niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Và ngay tại nước láng giềng gần Malaysia, bích họa đã khiến một địa danh vốn từng ví là khu ổ chuột được đổi đời khi trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích.

Tại Việt Nam, tranh bích họa cũng đem lại nhiều kỳ tích. Năm 2016, Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành với sự hợp tác của các họa sĩ đến từ Hàn Quốc và nhanh chóng trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn dọc biển miền Trung Việt Nam. Từ Tam Thanh, hiệu ứng làng bích họa, khu phố bích họa lan tỏa nhanh chóng ở nhiều địa phương khác.

Ngay sau Tam Thanh, tỉnh Quảng Nam có thêm làng bích họa ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành; làng bích họa ở Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn và xã An Bình thuộc Đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đà Nẵng cũng nhanh chóng có các khu tổ dân phố “bích họa”.

Quảng Bình đã xuất hiện “cung đường bích họa” ở làng chài Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, rồi làng bích họa ở Móng Cái - Quảng Ninh… Ít ai có thể ngờ rằng trào lưu bích họa đã phát triển nhanh đến mức mà câu chuyện làng làng, xóm xóm làm bích họa đã lây lan và bùng nổ ở thành phố mà Hà Nội là ví dụ điển hình nhất.

Tại Hà Nội, phong trào bích họa đã lây lan khắp mọi hang cùng ngõ hẻm và sẽ không quá lời khi một nghệ sĩ phải thốt lên rằng: Thủ đô đang gồng mình trước cơn lốc mang tên bích họa.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương là một trong những người đau khổ khi phải chứng kiến cơn lốc bích họa này.

Ông bất bình nói: “Trang trí bích họa đường phố là hoạt động thường thấy ở nhiều nước trên thế giới. Người dân quan tâm nhiều hơn tới mỹ thuật công cộng là tín hiệu mừng nhưng không thể để tự phát như hiện nay. Khi đưa những tác phẩm mỹ thuật ra nơi công cộng để công chúng thưởng thức phải là những “món ngon”. Trong khi đó, hầu hết những bức vẽ bích họa xuất hiện ở các khu dân cư đều mang tính nghiệp dư, hoặc do những họa sĩ không tên tuổi thực hiện”.

Cũng chính vì tự phát, tự góp tiền, thuê người vẽ hoặc thậm chí tự mua màu về vẽ mà nhiều công trình bích họa sau khi thực hiện song lại có tác dụng ngược khiến cho con phố trở nên lòe loẹt, lem luốc như một đứa trẻ mới học tô màu.

Đành rằng tranh bích họa không giống như những tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng, vốn đòi hỏi tính nghệ thuật cao và khắt khe hơn rất nhiều, nhưng nếu tác phẩm đường phố không được đẹp, hoặc trang trí không đúng chỗ thì tạo hiệu ứng ngược lại, gây sự khó chịu, “chịu đựng” về thẩm mỹ.

Thêm nữa, tuy bích họa là loại hình nghệ thuật cộng đồng, nhìn thì cảm giác như nhiều ngẫu hứng nhưng vẫn cần một trình độ thẩm mỹ nhất định để quy hoạch và lên ý tưởng. Bích họa cũng cần thời gian để họa sĩ cảm nhận được bản sắc văn hóa địa phương và chuyển tải vào tác phẩm, chứ không phải sơn phết, sao chép tùy tiện, thậm chí có nơi còn kêu gọi lực lượng thanh niên tình nguyện sao chép tranh có tính cổ động tô kín lên tường để rồi gọi đó là con đường bích họa.

Việc lạm dụng biến đường phố thành nơi vẽ một cách tùy hứng, đặc biệt là ở các đô thị là điều cần các cơ quan chức năng vào cuộc, bởi không phải chổ nào hở ra là có thể vẽ tranh, có thể phết màu mà bên cạnh yếu tố mỹ thuật cần phải có cái nhìn bao trùm về tập tục, quan niệm của địa phương, tác động của giao thông… như dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội chẳng hạn. Đây là việc làm được thực hiện bởi nhóm họa sĩ là cựu học sinh của trường thực hiện nhằm kỷ niệm 45 năm ngày thành lập.

Về mặt mỹ thuật thì đây là những tác phẩm bích họa đẹp song cũng không có lý khi nhiều người phản ứng mạnh vì cho rằng bức tường bích họa chẳng khác nào là một mảng màu sáng chói phá hỏng đi khung cảnh tĩnh lặng, nên thơ, cổ kính của một trong những con phố đẹp nhất Hà Nội. Nghệ thuật không giống nhiều ngón nghề khác chỉ cần đến sự nhiệt tình. Nếu chưa hội đủ sự chuyên nghiệp, tài năng và tinh tế thì ranh giới giữa nghệ thuật và lố bịch, thảm họa sẽ là rất gần.

Tin cùng chuyên mục