Sản phẩm du lịch đường sông phải độc đáo, ấn tượng

Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm đang được ngành du lịch TPHCM quan tâm phát triển. Nhân đọc bài “TPHCM đột phá du lịch đường sông” trên báo SGGP số ra ngày 3-5, tôi xin nêu một số ý kiến về vấn đề này.

Từ năm 2011, một số tuyến du lịch đường sông đầu tiên tại TPHCM đã được mở và đã thu hút được du khách quốc tế đến với huyện Cần Giờ. Hiện tại, du khách quốc tế từ tàu du lịch cập cảng Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đến Cần Giờ để tham quan rừng ngập mặn, đi thuyền kayak...

Tuy vậy, chúng ta chưa thể quá lạc quan vì trên thực tế du lịch đường sông tại TPHCM cũng đang có không ít hạn chế cần phải được giải quyết. TPHCM là nơi du khách quốc tế đến khá nhiều nhưng lại không có cầu cảng, bến tàu riêng, kể cả bến đậu cho tàu thuyền du lịch. Không thể đưa du khách bằng tàu thuyền du lịch đến được các địa điểm tham quan ở Củ Chi (TPHCM) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... do độ tĩnh không thông thuyền của nhiều cây cầu bắc qua sông quá thấp. Muốn đưa khách đi phải chuyển từ tàu lớn sang tàu nhỏ, thậm chí phải di chuyển bằng đường bộ mới đến được nơi tham quan, khiến du khách phải vất vả và chi phí tăng cao. Trong khi đó, hoạt động du lịch sông nước ở các tỉnh ĐBSCL cũng chưa khởi sắc, đến địa phương nào cũng thấy na ná nhau như: cùng dùng phương tiện xuồng ghe; món ăn chỉ quanh quẩn vài món như: cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, canh chua... Lẽ ra từng địa phương có sản phẩm riêng, giữ gìn và phát triển đặc sản, sản phẩm sẵn có, không nên thấy người ta làm rồi làm theo giống y vậy.

Để khai thác tiềm năng du lịch đường sông, TPHCM cần có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng. Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch nên nhận thức rõ thế mạnh du lịch đường sông; có định hướng cho việc phát triển loại hình du lịch này. Cần tận dụng được nguồn vốn từ các thành phần để đầu tư cơ sở hạ tầng; có quy hoạch đề án phát triển du lịch đường sông và sản phẩm du lịch.


NGỌC QUỲNH (Quận Tân Phú, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục