Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hậu quả tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính. Có thể thấy rằng, trong thời gian gần đây, các vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng ở quy mô khá lớn liên tục được báo chí phát hiện và đưa ra trước công luận. Trong các vụ việc ấy, phải kể đến các vụ việc liên quan đến thực phẩm chứa các loại hóa chất bảo quản độc hại, chẳng hạn như phở, bún nhiễm hóa chất, sữa bị nhiễm khuẩn, mũ bảo hiểm giả…
Theo các chuyên gia, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các hàng tạp hóa ở vỉa hè, chợ thậm chí còn len lỏi cả vào trong một số siêu thị. Hàng giả, hàng nhái… có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả và đặc biệt là phong phú về chủng loại. Những hậu quả mà những sản phẩm này mang lại chính là việc gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà sản xuất chân chính, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là làm mất uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì lợi thế về giá cả mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng có nguồn gốc rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Về phía người tiêu dùng, họ sẽ phải sử dụng những sản phẩm kém chất lượng và chắc chắn sẽ phải gặp những rủi ro về sức khỏe, tiền bạc.
Lý giải về tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Đang có tình trạng chồng chéo nhau trong việc kiểm tra và xử phạt nên hiệu quả của việc ngăn ngừa hàng hóa kém chất lượng còn rất hạn chế. Mặt khác, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc thiếu ý thức của một số doanh nghiệp, khi mà họ chỉ quan tâm nhiều tới lợi nhuận hơn là quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì suy nghĩ “ăn xổi” nên họ bất chấp pháp luật vẫn cho ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng và như vậy chỉ có người tiêu dùng là chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Trong thời buổi khi mà “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay thì người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng gian hàng giả. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần phải bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật của mình với hàng giả. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của cơ quan pháp luật. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận quản lý thị trường, đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Mức độ xử phạt cũng cần được xem xét để đủ độ răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
MINH HẢI