Sản xuất - kinh doanh hàng hóa không lai lịch sẽ bị xử nặng

Theo quy định mới tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), từ ngày 15-10, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt nặng. 

Liệu các chế tài mới này có đủ sức ngăn chặn tình trạng hàng nhái (giả), hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu… lâu nay vẫn bày bán nhan nhản trên thị trường? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, xung quanh vấn đề này.

Sản xuất - kinh doanh hàng hóa không lai lịch sẽ bị xử nặng ảnh 1 Ông Nguyễn Kỳ Minh

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hệ thống chế tài để quản lý, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng từ lâu đã có và khá đầy đủ, nhưng vì sao trên thị trường vẫn tràn ngập hàng vi phạm?

 - Ông NGUYỄN KỲ MINH: Những năm gần đây, công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu của chúng ta được thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, các thủ đoạn buôn lậu, sản xuất hàng giả, sao chép nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15-10.

Điểm nổi bật là Điều 17 của Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng và nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa khi đưa ra thị trường. Theo đó, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là vi phạm, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu đồng nếu hàng hóa là thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; các chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế… 

Đây là những hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, môi trường nên bị xử phạt gấp đôi so với hàng hóa thông thường. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị mức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện, buộc phải nộp lại số thu lợi bất hợp pháp từ sản xuất - kinh doanh sai phạm. 

* Theo ông, liệu những quy định mới này có đủ sức ngăn chặn hàng hóa mập mờ, không có nguồn gốc xuất xứ?

 - Nghị định mới có hàng loạt quy định về các hành vi từ sản xuất, buôn bán hàng hóa không có xuất xứ; giả mạo nhãn mác, bao bì đến hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn, bao bì của hàng giả và hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Các mức phạt đều được nâng lên khá cao cộng với các hình thức phạt bổ sung. Chúng tôi kỳ vọng, bằng cách “đánh” thẳng vào nguồn gốc xuất xứ, cộng mức phạt mang tính răn đe như vậy sẽ ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng đang tồn tại hiện nay.

* Như vậy, từ tháng 10, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mới được coi là hợp pháp. Nhưng trên thị trường có nhiều sản phẩm là thực phẩm như: thịt, rau củ quả, đồ chế biến sẵn, đồ thủ công… lâu nay không có nhãn mác, địa chỉ, xuất xứ thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý thế nào?

 - Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được đầy đủ thông tin, từ nơi sản xuất ban đầu đến từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật quản lý, xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc; hướng tới có tối thiểu 30% doanh nghiệp sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; hoàn thiện cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam. Tháng 7, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đề xuất “Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc”. Chúng tôi kỳ vọng, đề án khi hoàn thành sẽ là kênh hữu hiệu giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được rõ nguồn gốc xuất xứ của tất cả sản phẩm mà mình mua sắm, để biết có đảm bảo an toàn, chất lượng hay không.

* Tuy nhiên, xu thế mua bán online, thương mại điện tử hiện đang rất sôi động, lại là môi trường cho hàng lậu giả danh “hàng xách tay”, hàng giả, hàng kém chất lượng, nguồn gốc trôi nổi. Làm thế nào kiểm soát được “mặt trận” này, thưa ông?

 - Việc kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa online không hề dễ dàng khi có rất nhiều tài khoản rao bán nhưng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, cửa hàng, địa chỉ cụ thể. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng lại không mấy quan tâm về chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa mà chủ yếu quan tâm giá cả, vô tình tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng giả có “đất sống”. 

Cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn khi người bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý thì cần phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% số giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn, chứng từ. Việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu, hàng giả còn gian nan hơn vì các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh. Theo quy định, “hàng xách tay” được phép đưa từ nước ngoài về Việt Nam sẽ không bị coi là vi phạm nếu cá nhân đem về để sử dụng, biếu tặng; nhưng nếu bán ra thị trường mà không khai báo và nộp thuế thì bị coi là hàng lậu. Do đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP yêu cầu hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ và phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ với mức phạt nặng là công cụ để quản lý “hàng xách tay” với những chế tài mạnh tay hơn.

Để tăng cường kiểm soát tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, tháng 2-2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ công tác 368). Thời gian qua, Tổ công tác 368 đã triệt phá được nhiều vụ đình đám như: lợi dụng kinh doanh bưu chính để vận chuyển, tiêu thụ trên 100.000 sản phẩm hàng lậu, hàng giả, hàng cấm tại cảng ICD Mỹ Đình (Hà Nội); đột kích tạm giữ hàng chục ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng, rượu, thuốc lá, thời trang có dấu hiệu vi phạm tại nhiều điểm nóng ở TPHCM…  Để tránh mua phải hàng hóa không đảm bảo, chúng tôi đề nghị người dân nâng cao nhận thức khi mua sắm online, cần tìm hiểu thật kỹ, xem gian hàng có uy tín không, tuyệt đối không mua ở những trang không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục