Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về nước (28-1-1941 – 28-1-2006)

Sáng mãi ngọn lửa cách mạng

Sáng mãi ngọn lửa cách mạng

Trong những ngày đầu Xuân Bính Tuất, cả đất trời của Cao Bằng như được sưởi ấm lên trên khắp đường phố từ thị xã đến Pác Bó đều rợp màu đỏ rực của cờ Tổ quốc, khẩu hiệu… xen lẫn với những sắc hoa đào, hoa mơ. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng đang náo nức sôi nổi chào đón một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa thiết thực, đó là kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về nước (28-1-1941 – 28-1-2006).

Xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi mà cách đây 65 năm, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941 (tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc đã quyết định về nước qua mốc 108 vào Pác Bó để trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam. Để đảm bảo bí mật, ngày 8-2-1941, Bác rời làng Pác Bó lên ở hang Cốc Bó (Pác Bó), Người đã đặt tên cho ngọn núi là Các Mác và đặt tên cho dòng suối nơi đầu nguồn là Lê-nin.

Sáng mãi ngọn lửa cách mạng ảnh 1

Tiết mục múa sử thi “Ngược dòng lịch sử” trước khuôn viên tượng đài Hồ Chí Minh tại Cao Bằng vào tối 21-1. Ảnh: Vương Biên

Tháng 3-1941, Bác rời hang Cốc Bó đến lán Khuổi Nặm. Tại đây, Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (từ ngày 10 đến 19-5-1941), quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nêu cao khẩu hiệu giải phóng dân tộc và xác định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn quân ta. Nghị quyết đã có ý nghĩa quyết định đối với Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển mạnh mẽ.

Tháng 10-1941, Bác Hồ chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng thành lập đội vũ trang tập trung (đội du kích) đầu tiên của tỉnh, tiến tới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944). Tháng 6-1945, Cao Bằng trở thành một trong những vùng quan trọng của khu giải phóng Việt Bắc, là “Ngôi sao sáng của cách mạng”, góp phần cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi.

Pác Bó là khu di tích quốc gia, có tới hơn 40 điểm di tích nhưng đáng ghi nhớ nhất là hang Cốc Bó, bàn đá Bác ngồi làm việc bên bờ suối Lê-nin; lán Khuổi Nặm nơi tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tháng 5-1941… Hiện nay Khu di tích lịch sử Pác Bó đang được Nhà nước đầu tư hơn 300 tỷ đồng để tôn tạo và xây dựng thêm nhiều hạng mục, vừa là khu di tích lịch sử vừa là khu du lịch.

Pác Bó, ngày ấy, người dân phải sống trong lầm than cực khổ. Bà Hoàng Thị Hoa, ở bản Pác Bó, là người được giao nhiệm vụ nấu cơm đưa lên hang cho Bác khi Người còn ở hang Cốc Bó, nói: Pác Bó những năm tháng chưa có cách mạng, người dân sống kiếp người như trâu ngựa, đói nghèo, khổ cực cứ truyền đời. Từ ngày có Bác, có cách mạng, người dân nơi đây đã được độc lập, tự do xây dựng cuộc sống mới.

65 năm qua, từ ngày Bác về Pác Bó đến nay cuộc sống người dân đã có nhiều đổi mới, trẻ em được cắp sách đến trường đầy đủ, đường được nhựa hóa mở rộng tấp nập ô tô, xe máy đi lại, lớp học, trạm y tế mọc lên khang trang, điện lưới quốc gia đã kéo về từng thôn bản. Cả xã hiện chỉ còn 66 hộ nghèo trong tổng số 346 hộ của xã.

Ngọn lửa cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã nhóm lên ở rừng núi Pác Bó đã thực sự bùng cháy, đem đến vinh quang cho dân tộc Việt Nam – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Và rồi để hôm nay, sau 65 năm, Cao Bằng được vinh dự thay mặt cả nước tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Ngày Bác Hồ về nước. 

Thanh Thúy

Tin cùng chuyên mục