

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Chiều qua, 16-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân là thành viên Chính phủ đầu tiên “khai hỏa” phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 2. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có 230 chất vấn của 107 đại biểu liên quan đến lĩnh vực phụ trách của 21 bộ, ngành, trong đó có 31 chất vấn gửi Chính phủ, riêng Thủ tướng nhận được 17 ý kiến chất vấn – đây được xem là kỳ họp có nhiều chất vấn nhất từ trước đến nay.
Sách giáo khoa: phải qua sử dụng mới đánh giá có phù hợp hay không
Báo cáo và trả lời chất vấn trước Quốc hội của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tập trung vào 2 vấn đề: chất lượng giáo dục và xã hội hóa giáo dục. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, chất lượng giáo dục được quyết định bởi 6 yếu tố: chương trình và sách giáo khoa; giáo viên và phương pháp giảng dạy; cơ sở vật chất; chất lượng học sinh đầu vào; tài chính cho giáo dục và vấn đề quản lý.
Về chương trình và sách giáo khoa (SGK) – trước nhiều ý kiến cho rằng chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, ngành giáo dục đang trong quá trình thay SGK từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng phải trải qua thực tiễn sử dụng sách mới đánh giá đúng được sự phù hợp của chương trình, SGK với điều kiện của chúng ta. Về chất lượng học sinh đầu vào, qua 1 năm tổ chức thi nghiêm túc và rà soát lại thì có nhiều học sinh không đủ tiêu chuẩn vẫn được lên lớp bởi những năm trước, áp lực của bệnh thành tích và chỉ tiêu mỗi lớp không được phép có quá 1% học sinh lưu ban quá nặng nề.
Tuy nhiên, nhận định về chương trình, SGK này ngay lập tức đã nhận được chất vấn của đại biểu (ĐB) Đặng Văn Khanh (Hà Nội): “Dù Bộ trưởng nói chương trình và SGK đã phù hợp lắm rồi nhưng Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi đại bộ phận người dân đều có ý kiến cho rằng, chương trình và SGK, nhất là ở bậc phổ thông hiện nay là không phù hợp?”…
Thậm chí, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) còn nêu câu hỏi: Bộ trưởng có sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại với các ĐB Quốc hội quan tâm đến giáo dục để trả lời một câu hỏi, vì sao chúng ta không thể sử dụng một chương trình đã phổ biến trên thế giới, làm cho chương trình học nhẹ hơn và sâu hơn, tiến tới có nhiều bộ SGK để giáo viên, học sinh có nhiều sự lựa chọn? Trước câu hỏi khá thẳng thắn này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Tuy mới về bộ nhưng xem lại các báo cáo hồ sơ thì thấy đội ngũ tham gia biên soạn SGK đều là những người có uy tín trong ngành nhưng có một vấn đề là khoảng 80% những người tham gia biên soạn sách này không giảng dạy bậc phổ thông cho nên trong đó có thể có những nội dung chúng ta đưa vào chưa phù hợp. “Đến khi dạy thử, rồi thông qua, có ý kiến cho rằng học trò của thầy biên soạn SGK, nên đánh giá chưa toàn diện”.
Không trả lời thẳng vào đề nghị của với ĐB Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề xuất sẽ thành lập một tổ độc lập, mời các nhà khoa học hoặc các thầy giáo đánh giá sách giáo khoa và hoạt động độc lập với Bộ GD-ĐT. “Bởi vì nếu chúng ta tranh luận nói là tốt, hay không tốt, thì khó. Nhưng có một tổ hẳn hoi, lấy từ môn học ra cùng nhận xét, thảo luận. Đây có thể là cách nhanh hơn giúp chúng ta điều chỉnh vấn đề này”.
Cũng liên quan đến chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta đang có vấn đề. “Tôi từng trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh, thấy có vấn đề về chất lượng đề tài. Chúng ta không chú ý đúng mức vấn đề “mới” trong đề tài tiến sĩ. Đến một trường ĐH đào tạo được nhiều tiến sĩ, tôi có hỏi hiệu trưởng là những luận văn đó có tính mới và khoa học không thì trường trả lời là không mới!”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói. Vì vậy, sắp tới, Bộ sẽ có quy chế mới, theo hướng khắt khe hơn khi xét duyệt đề tài tiến sĩ. “Những ai không có cái mới về khoa học, đừng có làm tiến sĩ”.
“Tấm chăn” giáo dục: Cố “đắp” cho đủ thì số người đi học giảm 1/4

ĐB Ngô Quang Minh (Quảng Ninh) chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 16-11.
Xã hội hóa giáo dục là vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dành nhiều tâm sức giải quyết trong thời gian gần đây. Và vấn đề này cũng được các ĐB chất vấn sôi nổi, đặc biệt là những chính sách, cơ chế xã hội hóa. ĐB Nguyễn Văn Quynh (Quảng Ninh) nêu vấn đề, việc sửa chữa, nâng cấp 120.000 phòng, lớp học xuống cấp sẽ gian nan không kém chương trình kiên cố hóa 7 vạn phòng học Chính phủ đã thực hiện. Bộ trưởng có tính toán phương án khác, cho phép xã hội hóa ở mức cao hơn.
Ví dụ, đối với những vùng, địa phương có điều kiện, doanh nghiệp và người dân bỏ tiền đầu tư xây trường theo đúng quy hoạch của ngành GD, sau đó Nhà nước thuê lại. Bộ trưởng có nghĩ đến giải pháp này? Và cơ chế, chính sách cho nó là gì? ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) bổ sung: Ở các đô thị, không ít cá nhân, tổ chức mong được đầu tư cho giáo dục, nhưng chính sách chưa thỏa đáng, khó thực hiện. Ngược lại, ở nông thôn thì thiếu các nguồn lực. ĐB Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) ý kiến thêm: Làm sao để giảm tải gánh nặng ngân sách mà vẫn đảm bảo chất lượng lẫn quy mô GD? Giữa 2 khối trường tư thục và công lập, phải “cân đối” như thế nào để làm tốt chính sách xã hội hóa giáo dục?
Giải đáp các câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ GD-ĐT đang có 1 nghiên cứu đánh giá tổng thể về huy động các nguồn lực đầu tư cho GD. “Xã hội hóa mà không có sự tham gia đóng góp của người dân thì không đúng nghĩa là xã hội hóa”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, xã hội hóa trong giáo dục là đúng hướng, vấn đề là cần những chính sách cụ thể và đồng bộ, ví dụ trước khi tăng học phí bậc đại học (để đảm bảo yêu cầu chất lượng) thì cần có chính sách cho sinh viên vay vốn thông thoáng và hợp lý. Điểm mới nhất trong cơ chế tài chính cho giáo dục gần đây là Chính phủ ban hành chương trình cho vay học nghề và học ĐH. “Trong vòng 1 tháng (10-2007) thực hiện cơ chế mới, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho sinh viên vay 495 tỷ đồng, trong khi 12 năm trước cộng lại chỉ đạt 290 tỷ đồng”, ông Nhân nêu con số so sánh. Và dự kiến, trong năm 2007, Nhà nước sẽ bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng cho sinh viên vay vốn đi học.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ví von: “Tấm chăn” giáo dục, với 20% từ nguồn ngân sách Nhà nước, sẽ “đắp” không hết. Nếu chúng ta cố “đắp” cho đủ, thì số người đi học sẽ giảm 1/4. Tức là, nếu chúng ta miễn học phí cho 4 học sinh, tức là có 1 học sinh phải nghỉ học vì không đủ khả năng chi trả học phí. Ngược lại, 4 học sinh đóng học phí, sẽ có thêm 1 học sinh nghèo được đi học.
Về chính sách học phí, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói dứt khoát: Ngân sách cần chi trả có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên đặc biệt cho các vùng khó khăn. “Thay vì miễn, giảm 50% học phí, tôi đề nghị miễn toàn bộ học phí cho đối tượng là con em các hộ gia đình thuộc diện nghèo, bất kể miền núi hay đô thị - áp dụng theo chuẩn nghèo ở mỗi địa phương”, ông Nhân nhấn mạnh. Thu học phí 1 lần trong năm học; thu - chi có sự giám sát của cha mẹ học sinh là dự kiến đổi mới về học phí của Bộ GD-ĐT.
Việt Lan

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: MINH ĐIỀN