“Mảnh đất lắm người nhiều ma”

“Mảnh đất lắm người nhiều ma”

Đã lâu, tôi mới được đọc cuốn sách viết về nông thôn. Nguyễn Khắc Trường đã làm cho tôi hiểu về thực trạng nông thôn hiện nay. Đây là một cuốn sách hay, viết rất chân thật và đầy tính nhân văn.

“Mảnh đất lắm người nhiều ma” kể lại câu chuyện cũ nhưng lại mới. Cũ vì đề tài này được các nhà văn hiện thực phê phán như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng miêu tả qua những tác phẩm Tắt đèn, Bỉ vỏ, Chí Phèo, Giông tố… nhưng lại mới ở vấn đề thời đại, đó là quan niệm về con người, về lý tưởng sống, về cách nhìn thực tại và tương lai của nhà văn.

Các xung đột bắt nguồn từ dòng họ và lan dần thành mối xung đột phe phái trong chính quyền làng, xã. Tác phẩm là sự lồng ghép hai chủ đề trong cùng một cốt truyện: một chủ đề phản ánh sự mâu thuẫn nội bộ của xóm Giếng Chùa vì quyền lực, lợi ích của những dòng họ. Có những nhân vật khó tách bạch đâu là phần ma đâu là phần người.

Cô Thống Biệu phải bỏ nghề chỉ vì cô có thể trị được ma chết, ma âm nhưng không trị nổi ma dương. Chủ đề hai lồng trong chủ đề một, đó là câu chuyện tình giữa Tùng và Đào. Nó có phần giống như câu chuyện tình yêu Roméo và Juilyét, trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Sêchxpia, nhưng một bên là sự tách bạch giữa quỷ dữ và lòng nhân đạo, hận thù và tội lỗi, còn trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma” thì Tùng và Đào cũng bị vấy bùn, cũng bị ma ám.

Tuy vậy, tác phẩm không làm chúng ta bi quan, có thể do giọng điệu hài hước, cũng có thể do kết thúc sáng sủa của câu chuyện tình và sự chiến thắng của hạnh phúc cá nhân đối với quyền uy của dòng họ. Nhưng theo tôi, chủ yếu tác phẩm cho ta thấy hình ảnh một thời đại mới đang vận động nhân dân đang thực hiện quyền dân chủ của mình. Thế giới ma quỷ đang rơi vào khủng hoảng dữ dội để tự hủy diệt do những xung đột của chính bản thân nó.

Tác phẩm lôi cuốn chúng ta nhờ nghệ thuật kể chuyện, sự dẫn dắt tình tiết, sự tổ chức các tình huống tạo bất ngờ. Các nút thắt và cách cởi nút khó đoán trước. Vì đó là cuộc sống. Không khí nông thôn hiển hiện với những phong tục cổ xưa nhưng lại rất hiện đại. Tác giả tạo ra được nhiều nhân vật tuy không thật sâu sắc nhưng có cá tính gây được ấn tượng đậm nét, đặc biệt là những nhân vật ma quái như anh em lão Hàm, chị Bé, Son, Đào, Quyềnh…

Tác phẩm là một trong những bài học lớn của thời đại hôm nay, nhắc nhở chúng ta biết sống sao cho phải đạo: đạo với dân, với nước, với gia đình dòng tộc. Đây là một quan niệm xử thế rất tế nhị, vừa mang nét văn hóa truyền thống, vừa mang nét thời đại.

NGUYỄN THANH DU
(Giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Eakar, tỉnh Đắc Lắc)

Tin cùng chuyên mục