Sổ tay: Hãy dùng “Nội dung số” Việt Nam!

(SGGP).- Google, cỗ máy tìm kiếm mạnh nhất trên thế giới, trở thành Search Engine “tuyệt đối” tại Việt Nam. Chính vì thế, gần như toàn bộ những người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng Google để tìm thông tin. Với Youtube, website chia sẻ video lớn nhất thế giới (cũng thuộc Google), sau khi Google mở đường kết nối riêng 2Gbps tới Việt Nam vào tháng 2-2009 thì Youtube nhanh chóng leo vào top 10 websites đông người truy cập nhất Việt Nam trong một thời gian ngắn kỷ lục (4 tháng).

Yahoo!, một thương hiệu quá nổi tiếng tại Việt Nam với hàng chục triệu người sử dụng với các dịch vụ là Chat (thông qua Y! Messenger), Mail… Yahoo đạt được một vị trí mà không một doanh nghiệp nào ở Việt Nam không thể mơ ước. Yahoo trở thành lựa chọn cao mỗi người khi muốn liên lạc với bạn bè qua Internet. Chưa hết, ở thị trường game, các game sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc) độc chiếm thị trường và các nhà phát hành game Việt Nam phải mất một phần khá lớn của doanh thu trả tiền bản quyền.

Trên là những ví dụ về dịch vụ “Nội dung số”. Hiện nay, tại nước ta, doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế tuyệt đối so với doanh nghiệp trong nước dù các sản phẩm “Nội dung số” Việt không phải là tệ. Cụ thể, trong khi người dùng Internet Việt Nam có thói quen dùng Google mỗi ngày, thì vẫn có những đội ngũ như Sóc Bay (Công ty cổ phần Dịch vụ CNTT Nais Corp) ngày đêm miệt mài hoàn thiện từng dòng code với một ước mơ “Giúp người Việt Nam chia sẻ thông tin nhiều hơn”.

Còn về thư điện tử, Zing Mail (Công ty CP VinaGame) với tính năng đính kèm file đến 30MB, hình nền cá tính, ecard đáng yêu, không giới hạn dung lượng lưu trữ… nhưng lượng người sử dụng cũng không thấm vào đâu so với Google, Yahoo!. Điều này cũng cho thấy, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam là thích “đồ ngoại”. Chính tâm lý “sùng ngoại” và không tin tưởng vào chất lượng cũng như dịch vụ sản phẩm đã tạo ra một rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận người tiêu dùng.

Khó khăn của các doanh nghiệp “Nội dung số” trong nước hiện nay là khả năng đầu tư phát triển và duy trì sản phẩm khi nguồn doanh thu từ việc kinh doanh internet còn rất nhỏ, dù các doanh nghiệp như FPT, VinaGame, VTC… đều có định hướng đầu tư lâu dài, phát triển nhóm các sản phẩm nội dung số nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh.

Vài năm nữa, liệu thị trường “Nội dung số” Việt Nam có nằm trong tay của các doanh nghiệp Việt Nam, hay hoàn toàn là một “sân chơi” của các “ông khổng lồ” Yahoo!, Google hay Facebook? Nên để tạo ra lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước không chỉ trông chờ vào chính sách bảo hộ và khuyến khích của nhà nước mà còn chờ sự ủng hộ của công chúng với sản phẩm “Nội dung số”  nội địa.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục