Sống như một hạt ban

Chỉ trong thời gian ngắn, Thượng úy Phan Đức Lộc (sinh năm 1995, công tác tại Công an thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) liên tục đón nhận tin vui: ra mắt tập thơ Thị trấn ngủ quên và đoạt giải ba Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ 4. Mới đây, anh vừa có thêm truyện dài Mùa hoa ban thay áo (NXB Kim Đồng), ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Một lát cắt về Điện Biên Phủ

Đã có hàng trăm tác phẩm viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, là thế hệ đi sau, lại không phải người được sinh ra tại Điện Biên, hẳn sẽ là một thách thức không nhỏ khi viết về vùng đất này. Nhưng với Mùa hoa ban thay áo, Phan Đức Lộc cho người đọc thấy rằng, không gì là không thể một khi có đam mê, có sự thôi thúc từ bên trong.

Q6a.jpg
Sau giờ làm việc, Thượng úy Phan Đức Lộc giúp dân chăm sóc rau màu

Ở Mùa hoa ban thay áo, Phan Đức Lộc không chọn viết về những điều to tát, mà về một lát cắt, một mảnh ghép làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó chính là lực lượng dân công hỏa tuyến. Với chiếc xe đạp thồ, trên đó là những bao tải gạo nặng trĩu, họ đã phải vượt đèo, leo dốc, vượt qua cả mưa bom bão đạn mang gạo lên tiếp tế cho đồng đội đang trực tiếp chiến đấu. Những chàng trai cô gái trong lực lượng dân công hỏa tuyến không trực tiếp cầm súng, nhưng sự đóng góp của họ không kém phần quan trọng để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ sau này.

Tác phẩm được mở ra khi vùng đất Điện Biên đang vào cuối mùa hoa ban, chỉ còn lại cây ban già đang bung xòe những chùm hoa trắng muốt. Những cánh hoa ban trắng muốt kia làm thức dậy trong tâm trí bà Hạt về những ngày theo đoàn dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm đó cô bé Hạt mới 15 tuổi, phải khai gian lên thành 17 tuổi để được vào đoàn dân công hỏa tuyến. Cùng với chị Nhu, anh Thược và những đồng đội khác, cô bé Hạt hăng hái lên đường, một lòng hướng về Điện Biên Phủ. Dẫu không trực tiếp cầm súng, nhưng di chuyển trên địa hình khắc nghiệt, nhất là trên bầu trời “máy bay địch ù ù réo rắt dò tìm”, đã không ít người bị trúng bom, hy sinh ngay trên đường.

Cuốn sách mỏng, chỉ với 110 trang nhưng gói gọn cả một tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, đầy lý tưởng của những chàng trai cô gái trẻ. Bên cạnh đó, tác phẩm còn ngợi ca tình quân dân ấm nồng của đồng bào các dân tộc anh em. Vì lẽ đó, Mùa hoa ban thay áo là cuốn sách dành cho cả người lớn và thiếu nhi, đọc để thấy được những trang sử hào hùng của dân tộc được viết nên từ những con người bé nhỏ như vậy.

Giúp dân và viết văn

Thượng úy Phan Đức Lộc chia sẻ, khi chuyển từ Hà Nội sầm uất đến một nơi bình lặng như Điện Biên để làm việc, với một thanh niên trẻ vừa mới ra trường, những ngày đầu lên đây thực sự là không dễ dàng. Lộc nhớ lại: “Thời gian đầu, tôi buồn đến trĩu lòng. Lần nào gọi điện về nhà cũng phải nén lại để nước mắt không trào ra. Rồi tôi đọc sách và viết lách như một cách chữa lành tâm hồn mình. Mất khoảng nửa năm để tôi thích nghi được với cuộc sống mới. Giờ thì tôi sống như một hạt ban vậy, gieo tôi vào đâu thì tôi mọc ở đó”.

Ở Điện Biên, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Đi sâu vào những bản làng, không khó để bắt gặp những căn nhà lụp xụp; những cụ già, em bé không đủ quần áo ấm để mặc vào những ngày đông rét mướt... “Mùa hè ở Điện Biên thường nóng hơn các vùng khác. Vào mùa này, khi cháy rừng xảy ra, tôi nhiều lần cùng lực lượng chức năng và bà con dân bản trèo lên núi cao, băng vào rừng sâu để chữa cháy rừng. Rất gian nan và nguy hiểm. Khát thì tìm những khe suối, đói thì lót dạ bằng quả rừng. Rồi những ngày đi trinh sát, ăn sương nằm gió, vật vờ bờ bụi, tôi cũng đã quen”, Phan Đức Lộc kể.

Trước truyện dài Mùa hoa ban thay áo, Phan Đức Lộc đã có 11 tập sách dành cho người lớn và thiếu nhi, cùng rất nhiều giải thưởng văn chương uy tín. Năm 2012, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III năm 2020. Anh tạo dấu ấn bởi những truyện ngắn được viết chắc tay, mang cái nhìn nhân ái đến những thân phận thấp bé, yếu thế trong xã hội. Với 7 năm sống và làm việc ở Điện Biên, Phan Đức Lộc bảo, giờ anh luôn cảm thấy mắc nợ xứ sở hoa ban. Vì lẽ đó, Điện Biên luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong những trang viết của anh.

Tháng 7-2017, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, Phan Đức Lộc được phân công về công tác tại tỉnh Điện Biên. Lộc bảo, 7 năm trôi qua, Điện Biên giờ đã trở thành quê hương thứ hai của anh sau vùng quê lúa Yên Thành (Nghệ An). “Bảy năm sinh sống và làm việc tại Điện Biên, tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách nhỏ về vùng đất này. Và Mùa hoa ban thay áo là câu trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người dành cho tôi: Đã viết cuốn nào về Điện Biên chưa?”, Thượng úy, nhà văn Phan Đức Lộc chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục