
(SGGP).- Sự cố sạt lở đường dẫn vào cầu Bùi Hữu Nghĩa (phường 1 Bình Thạnh TPHCM) xảy ra gần 1 tuần nay làm cắt đứt sự lưu thông trên cầu. Người dân lại đặt ra nhiều câu hỏi bức xúc: Đơn vị thi công công trình gây sạt lở sẽ bị xử lý như thế nào? Bao giờ cầu Bùi Hữu Nghĩa thông xe trở lại?
Đến chiều ngày 7-8, sự cố trên vẫn chưa được khắc phục, hai đường dẫn lên cầu phía quận 1 và quận Bình Thạnh đã được rào chắn kỹ nhằm ngăn chặn người lưu thông lên cầu để tránh nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên, trước đó sáng 7-8, nhiều người tham gia giao thông chưa biết sự cố nên đã phá rào chắn để qua cầu. Đến hơn 8 giờ sáng, rào chắn mới được dựng trở lại, biển báo được lắp đặt.

Đơn vị thi công đang đóng cừ sắt để khắc phục sự cố sạt lở.
Rào chắn dựng lên để tránh nguy hiểm với người dân nhưng rất nhiều người lớn và trẻ em hiếu kỳ, vô tư leo qua rào chắn để đến điểm sạt lở xem đơn vị thi công đóng cừ sắt?! Lẽ ra, phía đơn vị thi công và địa phương phải bố trí lực lượng bảo vệ trong thời gian khắc phục sự cố.
Theo đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (CSCEC) cho biết, sự cố sẽ được khắc phục sau một tuần để xe 2 bánh có thể lưu thông qua cầu và sẽ khắc phục xong khu vực sạt lở trong vòng 20 ngày.
Tuy nhiên, đến chiều 7-8, đường dẫn sạt lở dài 10m, rộng 10cm vẫn còn nguyên trạng, việc khắc phục chỉ là dùng bao cát be bờ kè để tạm giữ không cho sạt lở tiếp. Tại phần đường dẫn vào cầu bị sạt lở phía phường 2 lộ ra nhiều hàm ếch nguy hiểm. Nền nhà số 25-27 Bùi Hữu Nghĩa bị nứt rộng 20cm, cửa nhà không thể đóng được, có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, chủ nhà nói với vẻ lo sợ: “Gia đình tôi cứ lo sợ nhà sập, ban đêm ngủ không được vì không đóng được cửa, nhiều lần tôi đã kiến nghị lên phường và phía công trình nhưng không thấy họ đá động gì”.
Sự cố trên đã gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông. Anh Trương Tâm, ngụ đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), bức xúc nói: “Từ lúc cầu Bùi Hữu Nghĩa bị rào chắn, không cho xe lưu thông, tôi luôn bị trễ giờ khi đến cơ quan, do phải đi vòng qua cầu Bông - mà cầu Bông thì luôn kẹt xe”.
Đặt câu hỏi với một cán bộ giám sát công trình tại đây thì được câu trả lời: “Khi nào thi công xong đường dẫn vào cầu mới khắc phục những hư hỏng nhà của dân”. Chúng tôi hỏi: “Vậy nếu nhà dân bị sập trong lúc thi công thì ai sẽ chịu trách nhiệm?” - Anh trả lời: “Cái đó có cấp trên lo” (?).
Vấn đề người dân đặt ra: Xử lý như thế nào với đơn vị thi công gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân?.
TUẤN VŨ