Trong khuôn khổ phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), 2 dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch đã được UBTVQH cho ý kiến sáng 14-7. Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Căn cước công dân sẽ thay giấy khai sinh?
Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày tại phiên họp, cơ quan thẩm tra xin ý kiến UBTVQH về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến các trường thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phương pháp cấp số định danh cá nhân (dự kiến gồm 12 chữ số); độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân; trình tự, thủ tục phối hợp giữa các cơ quan trong việc cập nhật và khai thác dữ liệu; tính đồng bộ giữa Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhìn nhận, quan điểm của các cơ quan Chính phủ về việc có nên cấp căn cước công dân cho trẻ em ngay từ khi mới sinh ra; có nên duy trì giấy khai sinh và một số loại giấy tờ khác một khi đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không… vẫn còn có khác biệt ngay giữa dự thảo Luật Căn cước công dân với dự thảo Luật Hộ tịch.
Luật Căn cước công dân ra đời sẽ loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ, giữ lại bao nhiêu loại và lý do tại sao là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên UBTVQH đặt ra. Theo đại diện cơ quan soạn thảo, dự thảo quy định theo hướng thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi sẽ có mẫu riêng; đến khi đủ 14 tuổi sẽ đổi thẻ, áp dụng mẫu riêng (có thêm ảnh, nhận dạng cá nhân…). Khi có thẻ căn cước, một số loại giấy tờ hành chính sẽ được bỏ đi để giảm phiền hà cho dân, chẳng hạn như giấy khai sinh.
Góp ý cho dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nêu vấn đề, cần xác định rõ đâu là cơ sở gốc: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay cơ sở dữ liệu chuyên ngành? Mô hình vận hành 2 chiều cập nhật và khai thác dữ liệu cũng phải được xác định rõ theo hướng các thông tin phát sinh phải được tự động “đẩy” vào kho dữ liệu chứ không phải chạy vòng sang Bộ Công an rồi mới lại đẩy lên một cách thủ công. Nhiều thành viên khác trong UBTVQH cũng đề nghị làm rõ việc mã số định danh thể hiện những thông tin gì ngoài việc cá biệt hóa từng cá nhân.
Nhấn mạnh cả hai dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch đều phải đảm bảo hài hòa giữa việc tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Dự luật phải nói rõ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những thông tin gì; dữ liệu căn cước, hộ tịch gồm những thông tin gì, ghi vào luật một cách minh bạch và mạch lạc. Giấy tờ tùy thân của người dân chỉ là thẻ căn cước; người dân sẽ kê khai để hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin về bản thân mình, nhưng chỉ phải khai một lần. Sau này các cơ quan nào cần thì cứ truy cập vào kho dữ liệu đó để lấy chứ đừng đòi hỏi người dân đi khai nhiều lần nữa”.
Án lệ không để “úp khuôn”
Liên quan đến nội dung phát triển án lệ trong dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: Dự thảo luật đã được sửa lại như sau: Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có tính chuẩn mực của các tòa án phát triển thành án lệ để nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Về hiệu lực quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, quy định “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”. Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, thường trực ủy ban đề nghị không thành lập Tòa giản lược trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu đã xem quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất thì các luật về tố tụng phải sửa, không đặt ra “trường hợp đặc biệt”, kéo dài mãi quá trình xét xử, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tham dự phiên họp, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng tình với quan điểm này. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn băn khoăn: “Nếu thấy có tình tiết mới có lẽ vẫn phải có cơ chế để xem xét lại”.
Về án lệ, để quá trình xét xử đảm bảo công bằng, đúng pháp luật nhất có thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Án lệ phải được tổng kết, chuyển hóa thành hướng dẫn, quy định của tòa chứ không phải để “úp khuôn” vào vụ việc khác một cách đơn giản. Mỗi vụ án bao giờ cũng có tình tiết khác, xảy ra trong những thời điểm và bối cảnh khác nhau; quy định như dự thảo luật là hơi đơn giản”.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị nên thành lập tòa giản lược và áp dụng cơ chế giải quyết giản lược đối với một số loại án, đặc biệt là các vụ án tranh chấp lao động. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng không nhất thiết phải thành lập Tòa giản lược như một tổ chức nữa trong hệ thống Tòa án nhân dân, mà các tòa chuyên ngành vẫn có thể xử theo thủ tục rút gọn đã được quy định trong pháp luật hiện hành.
ANH THƯ