Quy chế người phát ngôn của các cơ quan nhà nước ra đời đã thể hiện nhiều ưu điểm. Đối với các cơ quan nhà nước, khi có người phát ngôn, mọi thông tin cung cấp cho báo chí đã được chuẩn bị kỹ theo chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị.
Tình trạng thủ trưởng nói một đằng, nhân viên dưới quyền nói một nẻo sẽ không còn nữa. Đối với nhà báo, đối tượng cung cấp thông tin đã được xác định. Người phát ngôn được công khai tên, chức danh và điện thoại liên lạc, cả điện thoại di động. Nhà báo khi cần thông tin không cần phải chạy nhiều chỗ, tìm người cung cấp thông tin như trước đây. Và điều quan trọng là thông tin từ nguồn chính thống, đúng người đúng việc.
Thực hiện quy chế người phát ngôn, UBND TPHCM đã ban hành văn bản quy định rõ quy chế và chỉ định rõ danh tính người phát ngôn. Người phát ngôn của UBND TP là chánh văn phòng; các sở thường là giám đốc sở; còn các quận - huyện là chủ tịch UBND hay chí ít cũng là chánh văn phòng. Thực hiện quy chế người phát ngôn, nhiều cơ quan, đơn vị có cách làm sáng tạo để cung cấp thông tin nhanh cho nhà báo. Ấn tượng nhất là cách tổ chức người phát ngôn của Sở Giao thông Vận tải. Khi nhà báo yêu cầu, lãnh đạo sở không những nhanh chóng chỉ đạo cung cấp thông tin, mà nội dung yêu cầu của nhà báo và trả lời của người có trách nhiệm phát ngôn được đăng công khai trên trang thông tin điện tử của sở. Một số cơ quan, đơn vị khác tại TPHCM như UBND các quận 7, 9, Thủ Đức, Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng… cũng đã thực hiện nghiêm túc quy chế người phát ngôn.
Nhưng trên thực tế không phải cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng thực hiện tốt quy chế này. Tại một số cơ quan, đơn vị từ khi có người phát ngôn, việc tiếp cận thông tin càng khó hơn. Trong khi thông tin báo chí đòi hỏi phải cập nhật từng giờ trên các báo điện tử và hàng ngày trên báo giấy, nhưng người phát ngôn chỉ gặp gỡ báo chí theo lịch đã ấn định trong tháng. Do vậy, khi nhận được thông tin phản hồi từ người phát ngôn thì sự việc đã không còn tính thời sự. Không những thế, không ít cơ quan, đơn vị đã dùng quy chế người phát ngôn để làm rào cản đối với nhà báo muốn tiếp cận thông tin, như yêu cầu nhà báo phải cung cấp nội dung cần thông tin bằng văn bản, và hẹn thời gian làm việc muộn đến vài tuần, thậm chí cả tháng. Đó cũng là cách né tránh cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhà báo là cầu nối, với nhiệm vụ đi lấy thông tin và đưa thông tin đó đến bạn đọc nhanh và chính xác nhất. Để làm được công việc mà bạn đọc cũng như xã hội đòi hỏi, báo chí phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Do vậy, nỗ lực của nhà báo là chưa đủ, mà rất cần có sự phối hợp cộng tác một cách có trách nhiệm của người phát ngôn.
TRẦN YÊN