Sự hy sinh thầm lặng

Cứ đến ngày hội tri ân thầy cô giáo (20-11), trên các trang báo viết, báo hình và các phương tiện thông tin khác ngập tràn hình ảnh, bài viết ca ngợi thầy cô giáo - những kỹ sư tâm hồn luôn tận tâm với nghề, dìu dắt bao thế hệ học trò khôn lớn, thành danh… Vượt qua những khó khăn đời thường, những nhọc nhằn của nghề “lái đò” đưa học trò “qua sông”, hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước vẫn bám lớp, bám trường, gắn bó với nghề “trồng người” cao cả.

Để chắp cánh cho những ước mơ đeo đuổi con chữ và học giỏi, khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức, nhiều thầy cô không chỉ dành trọn tâm huyết, rút ruột truyền thụ kiến thức mà còn giúp các em hoàn thiện nhân cách, biết làm người tốt, có ích cho xã hội. Sự cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, khai phá tri thức luôn được xã hội ghi nhận, tri ân.

Trong vai trò kiến tạo con người - chủ nhân tương lai của đất nước, vị thế của người thầy rất quan trọng và để phát huy năng lực, lòng yêu nghề của họ đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn đúng, chăm lo đúng. Việc để họ trăn trở với nghề hoặc phải cân nhắc đi hay ở và cuối cùng đành lỡ hẹn - từ bỏ đam mê nghiệp đã chọn... có lỗi của chúng ta. Và chúng ta càng day dứt hơn không phải không có thầy cô khi được hỏi nếu được chọn lại nghề họ sẽ không chọn nghề giáo…

Tuy nhiên, luồng gió mới tư duy mới đang gieo niềm tin, sự kỳ vọng của xã hội. Sau nhiều năm chờ đợi, tín hiệu đổi mới chế độ chính sách cho nghề giáo, nhà giáo đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với tư duy mới, quyết sách mới, Đảng ta vẫn khẳng định quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, ưu tiên chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Theo đó, nhà nước sẽ thực hiện chế độ ưu đãi, xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang lương hành chính sự nghiệp, kèm phụ cấp tính chất công việc, theo vùng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục… Đây là tin vui và các nhà giáo đều mong đợi quyết sách này sớm trở thành hiện thực để họ giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hóa, chỉ có con đường khai sáng tri thức, văn minh, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học - kỹ thuật, chúng ta mới có thể tránh được nguy cơ sự trì trệ, tụt hậu. Chỉ có bệ phóng làm chủ kiến thức, sự năng động sáng tạo của đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng cao thì chúng ta mới có đủ thế và lực vươn ra biển lớn hội nhập, tạo ra những sản phẩm chính hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng cao, có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Chính vì thế, đòi hỏi đổi mới tư duy và hành động nhanh chóng để sớm bắt kịp tiến độ hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là một yêu cầu cấp thiết, không thể chậm trễ. Và để thực hiện thành công công cuộc chấn hưng giáo dục như mong đợi, trong nhiều giải pháp phải thực hiện đồng bộ, cú hích đột phá đầu tiên cần phải làm là nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ có thể dạy tốt, tạo ra những sản phẩm giáo dục đạt chuẩn, được phụ huynh và xã hội tin cậy.

Nhìn ra các nước phát triển, mặt bằng tiền lương của giáo viên luôn cao hơn nhiều ngành nghề khác và vị thế người thầy giáo được xếp đúng tầm. Để người thầy phát huy hết năng lực, tạo ra những sản phẩm giáo dục đạt chuẩn - thực học, thực hành, tự tin, sáng tạo, có khả năng hội nhập cao, đòi hỏi người thầy phải chuẩn mực, có kiến thức rộng, trình độ sư phạm cao.

Như thế chỉ có thầy giỏi thì mới mong có được học trò giỏi. Và muốn có thầy giỏi thì cần phải có chính sách phù hợp, chiêu mộ, đãi ngộ, chăm lo bồi dưỡng thỏa đáng cho thầy cô. Và ngược lại để xã hội tôn vinh, được đứng vào nghề “trồng người cao cả”, ngoài tuyển chọn đầu vào ngành sư phạm khắt khe, đòi hỏi đội ngũ giáo viên cũng phải chủ động hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm để dạy học tốt hơn, thích ứng với đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo theo mô hình giáo dục tiên tiến.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục