Sửa đổi mức lương tối thiểu vùng

Báo SGGP vừa đăng loạt bài “Công nhân về hưu thành… người nghèo”, đây đúng là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm chấn chỉnh. Theo tôi, một trong các giải pháp hữu hiệu để nâng cao lương hưu cho người lao động sau quá trình cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội là cần sửa đổi lại quy định về mức lương thiểu vùng.

Nhiều năm làm công tác quản lý về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy không ít người lao động nhận số tiền lương hưu quá khiêm tốn, không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu của cuộc sống bản thân trong điều kiện giá cả các mặt hàng thiết yếu biến động tăng không ngừng theo cơ chế thị trường và ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cũng như trên thế giới.

Đối với CB-CC-VC nhà nước khi về hưu, khoản tiền lương hưu trong khoảng 3 đến 5,5 triệu đồng, còn có khả năng mua được một số mặt hàng cần thiết để duy trì cuộc sống. Trong khi đó, phần lớn công nhân, người làm công ăn lương ở các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, nhất là các KCN-KCX ở những TP lớn, hầu hết chủ sử dụng lao động chỉ đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hàng năm.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1-1-2014 được quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ rất thấp so với mặt bằng thu nhập hiện nay của xã hội. Cụ thể: Mức 2.700.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 2.400.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 2.100.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 1.900.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.

Làm một phép tính đơn giản, nếu người lao động có thời gian đóng BHXH hưởng tối đa 75% lương hưu, với mức đóng 2.700.000 đồng/tháng thì chỉ nhận lương hưu 2.025.000 đồng/tháng, còn vùng II, III, IV sẽ dưới 2 triệu đồng/tháng, làm sao đủ sống trong khi tuổi cao, sức yếu, bệnh tật… Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định về mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động tính trên mức lương cơ sở của nhà nước.

Theo đó, xin đề nghị: Mức bằng 4 lần lương cơ sở/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 3,5 lần lương cơ sở/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 3 lần lương cơ sở/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 2,5 lần lương cơ sở/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV. Giả sử mức lương cơ sở vùng I là 4 lần lương cơ sở (hiện nay là 1.150.000 đồng) thì khi về hưu nhận tối đa 75% sẽ là 3.450.000 đồng/tháng, có thể bảo đảm cho người về hưu sống tạm đủ thời gian cuối đời mà không phải trông chờ nguồn hỗ trợ khác.

Để góp phần ổn định cuộc sống cho người về hưu và thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”, chúng tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về mức lương tối thiểu vùng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
Giám đốc BHXH Đức Trọng (Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục