Sức sống kỳ diệu

1. Ai cũng phải về cõi vĩnh hằng, về nơi cuối trời, cuối đất, cuộc hẹn ngàn thu. Nhưng không phải ai ra đi cũng còn để lại... Trên chuyến xe từ miền Tây trở về thành phố Hồ Chí Minh, đúng cái ngày nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân ra đi, tôi cứ nhớ mãi lời tâm sự của một người bạn vong niên, một người đã tham gia kháng chiến từ hơn 40 năm nay và trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Khi nghe tin chú Sáu Dân ra đi, anh ngậm ngùi kể lại: Cách đây hơn 40 năm, tại một căn cứ kháng chiến dưới vùng bưng biền miền Tây Nam bộ, một buổi sáng anh đi hái rau và lạc vào một căn nhà nằm kín sâu trong những lùm cây. Chủ nhà là một người tầm thước, có vầng trán rộng và đôi mắt thẳm sâu. Anh đang bối rối, lo lắng về sự xuất hiện đường đột của mình thì vị chủ nhà có ánh mắt ấm áp ấy không những không trách móc, rầy la mà còn mời anh vào nhà. Tự tay ông pha trà, mời anh, hỏi han, ân cần như đón người thân đi xa trở về.

Anh không biết người đó là ai, nhưng từ phong cách, giọng nói anh đoán già, đoán non chắc chắn đây là một cán bộ lãnh đạo cấp “bự”. Về đơn vị anh không dám kể cho ai nghe, mà tìm cách dò la, tìm hiểu xem người đó là ai mà nhân hậu, dễ gần đến thế. Cuối cùng thì anh cũng biết được người ấy. Đó chính là đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy khu 9 - chú Sáu Dân, một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, có dịp gặp lại chú Sáu Dân, anh cứ nghĩ do trăm công, nghìn việc chú Sáu đã quên. Nhưng khi nghe anh kể lại kỷ niệm nhỏ lần gặp gỡ bất chợt ấy, chú Sáu Dân nhận ra anh ngay. Vẫn giọng nói và ánh nhìn ấm áp ấy, ông hỏi han công việc, gia đình, vỗ về, động viên anh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Và, theo anh bạn vong niên của tôi, nhờ đó, cứ mỗi lần gặp khó khăn, anh lại nhớ đến lời dặn và ánh mắt hiền từ, nhân hậu của chú Sáu. Ánh mắt ấm áp ấy đã tiếp cho anh sức mạnh để vươn lên...

2. Tôi có mặt trong dòng người xếp hàng nối đuôi nhau mấy tiếng đồng hồ để vào viếng chú Sáu Dân trên sân Hội trường Thống Nhất. Đã nhiều lần được dự đám tang của những vị lãnh đạo, tướng lĩnh, những người nổi tiếng, nhưng phải nói, chưa bao giờ tôi thấy tình cảm của người đang sống lại dành cho người vừa nằm xuống nhiều đến thế, cảm động đến thế như đám tang chú Sáu Dân.

Biết rằng, sinh có hẹn tử bất kỳ, nhưng chú Sáu ra đi giữa lúc này ai cũng thấy thật đột ngột. Ai cũng thấy thương tiếc. Cụ Đỗ Phủ, nhà thơ nổi tiếng đời Đường đã từng nói: Nhân sinh thất thập cổ lai hy (người sống bảy mươi xưa nay hiếm). Chú Sáu Dân đã bước qua cái tuổi cổ lai hy, nhưng mọi người vẫn thấy chú ra đi lúc này là sớm. Bởi, dù không còn trực tiếp gánh vác việc Đảng, việc nước như hồi còn đương chức, nhưng suy nghĩ của chú không cổ lai hy, mà lúc nào cũng tràn đầy sức sống với những tính toán, trở trăn vì dân, vì nước. Một con người xuất thân từ nông dân, tham gia cách mạng không chỉ cống hiến cả cuộc đời mình mà dâng hiến cả vợ và những đứa con thân yêu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của mọi người. Một con người luôn luôn có ý chí tiến công, không chịu lùi bước trước khó khăn. Thấy việc gì có lợi cho nước, cho dân thì khó mấy cũng tìm cách thực hiện bằng được. Một con người kiên định, trung thành với con đường mình đã chọn và không chịu thỏa mãn, luôn luôn có ý thức vươn lên. Con người ấy có một sức sống kỳ diệu. Chú Sáu Dân với sức sống kỳ diệu, dù về cõi vĩnh hằng, về nơi cuối trời, cuối đất, cuộc hẹn ngàn thu, nhưng khát vọng và sự nghiệp của chú mãi còn với dân tộc. Kỳ diệu thay sức sống một con người!

Trần Thế Tuyển

Tin cùng chuyên mục