Tái cơ cấu các trường ĐH-CĐ!

Hôm nay 30-11, kết thúc xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm học 2012 - 2013. Trong khi sinh viên các trường công lập đã ổn định học tập thì không ít ĐH ngoài công lập (NCL) vẫn chật vật với bài toán tuyển sinh. Đến thời điểm này, nhiều trường đành “bó tay” ngậm ngùi trước thất bại của mùa tuyển sinh, chấp nhận đóng cửa một số ngành học.

Như vậy, dù năm nay Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã cố gắng thay đổi quy chế tuyển sinh để tạo điều kiện cho các trường NCL tuyển đủ chỉ tiêu nhưng xem ra tình hình không thể cứu vãn. Ngay từ khi Bộ GD-ĐT ban hành sự thay đổi này, không ít trường NCL đã dự đoán công tác tuyển sinh năm nay sẽ khó khăn hơn các năm trước vì việc kéo dài thời gian tuyển sinh và cho phép thí sinh được rút hồ sơ sẽ khiến các trường công lập “vét” hết nguồn tuyển của trường NCL.

Ngay cả ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng nhận xét, chuyện các trường NCL tuyển sinh khó khăn thì năm nào cũng diễn ra, nhưng năm nay khó khăn hơn do Bộ GD-ĐT thay đổi quy chế tuyển sinh. “Việc kéo dài thời gian xét tuyển, gia hạn nhiều đợt... tưởng sẽ tạo điều kiện cho các trường tốp dưới, trường NCL nhưng thực ra chỉ có lợi cho các trường tốp trên, tốp giữa, trường công lập, chứ các trường NCL không được hưởng lợi, thậm chí có hại. Có thể khi đưa ra các thay đổi này, Bộ GD-ĐT chưa cân nhắc kỹ”, ông Thi nói.

Việc thay đổi quy chế tuyển sinh có đạt như mong muốn ban đầu hay không, chắc chắn tới đây, khi tổng kết công tác tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 và bàn phương hướng tuyển sinh 2013, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH-CĐ sẽ còn phải tiếp tục bàn thảo. Bởi thực tế bộn bề của công tác tuyển sinh ở các trường NCL cũng như các trường ĐH công lập địa phương (thể hiện rõ nhất qua việc Bộ GD-ĐT phải bổ sung chính sách tuyển sinh đặc thù cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ) đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Nhưng điều đáng nói, dù với quy định tuyển sinh nào thì những trường có thương hiệu vẫn tuyển tốt, còn những trường không danh tiếng phải chấp nhận “bó tay”. Suy ra, phương án tuyển sinh vẫn phải tiếp tục điều chỉnh nhưng đó không phải là mấu chốt quyết định sự “sống còn” của một trường đại học hay cao đẳng. Sự “sống còn” đó hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng uy tín đào tạo của trường đó chứ không phải cách được tuyển sinh như thế nào.

Lâu này, những người trong cuộc vẫn thường xuyên “kêu ca” Nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện cho các trường NCL tuyển sinh. PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL cho rằng, để ĐH-CĐ NCL “sống được, sống tốt”, Nhà nước phải tạo cơ chế bình đẳng cho họ. Tức họ phải được hưởng các cơ chế như được giao đất sạch, được miễn thuế, được vay vốn ưu đãi, học sinh học NLC cũng phải được hưởng các chính sách như học sinh công lập vì tất cả mọi người dân đều đóng thuế như nhau. “Các trường NCL đa phần đều nỗ lực để phát triển, nhưng nếu không có cơ chế thì họ khó mà chèo chống”, ông Nhĩ nói. Theo ông, có vẻ như Nhà nước đang thiếu giải pháp, “một người mẹ đẻ ra đứa con, dù bị bệnh tật gì cũng phải tìm thuốc chạy chữa chứ không phải thấy con bệnh là cho khai tử”, ông Nhĩ bình luận.

Thế nhưng, ngược lại với quan điểm này, nhiều chuyên gia lại cho rằng, hệ thống chính sách, cơ chế Nhà nước đối với các trường ĐH-CĐ NCL hiện nay dù chưa tuyệt đối hoàn thiện nhưng cũng không thiếu gì. Đường ray đã có, vấn đề là con tàu có chạy được hay không. Rõ ràng, với tình hình như hiện nay, khi không được xã hội lựa chọn, có lẽ các trường NCL cũng như các ngành nghề đào tạo đang “thoi thóp” ở một số trường công lập phải tự tìm ra con đường “sống” cho mình. Nói như ông Đào Trọng Thi, bản thân các trường phải tự thay đổi, “từng trường sẽ phải tự suy nghĩ, tìm ra hướng đi cho mình. Không ai có thể nghĩ giùm họ chuyện đó”.

Cũng đã rất nhiều ý kiến đề cập các trường ĐH NCL phải thực hiện ”tái cơ cấu”, theo đó những trường yếu kém phải chấp nhận bị sàng lọc, đào thải. Các trường sẽ phải “xốc” lại các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo: cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình giáo dục, định hướng phát triển. Dĩ nhiên sẽ phải mất thời gian, mất tiền bạc, nhưng chỉ có như vậy để bảo đảm chất lượng, dần dần người học sẽ tìm đến. Ông Đào Trọng Thi và khá nhiều người cho rằng, ngay việc các trường NCL hiện nay quá tham về chỉ tiêu tuyển sinh cũng là một “điểm trừ” của họ. Thay vì tuyển 1.000 - 2.000 chỉ tiêu như hiện nay, tại sao họ không chỉ tuyển 300 - 500 em. Các trường đào tạo tốt 300 - 500 thí sinh mỗi khóa, được xã hội chấp nhận, từ đó sẽ lấy lại được niềm tin.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục