Tại sao EVN không hạch toán hàng ngàn tỷ đồng?

Thông tin về việc Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính 21.700 tỷ đồng đối với nhiều đơn vị, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không hạch toán hàng ngàn tỷ đồng khiến dư luận rất bất bình. Lâu nay EVN cứ than lỗ và đòi được tăng giá điện để bù lỗ, bây giờ đã rõ yêu sách đó hoàn toàn thiếu cơ sở, EVN đã cố tình giấu nguồn thu và lợi nhuận.

Thông tin về việc Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính 21.700 tỷ đồng đối với nhiều đơn vị, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không hạch toán hàng ngàn tỷ đồng khiến dư luận rất bất bình. Lâu nay EVN cứ than lỗ và đòi được tăng giá điện để bù lỗ, bây giờ đã rõ yêu sách đó hoàn toàn thiếu cơ sở, EVN đã cố tình giấu nguồn thu và lợi nhuận.

Đúng như các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng về việc EVN phải tái cơ cấu hoạt động đầu tư và giảm chi phí đầu vào, tăng nguồn thu để giảm giá thành, chứ không thể tăng giá điện - tạo áp lực, đổ khốn khó lên đầu người tiêu thụ điện. EVN tự cho mình đặc quyền trong quy chế tài chính hiện hành khi bác bỏ các khoản thu có liên quan đến sản xuất - kinh doanh điện, như thu từ công suất phản kháng, cho thuê cột điện, thanh lý, nhượng bán vật tư, sản xuất - kinh doanh điện, lãi từ hoạt động tài chính, lãi từ liên doanh liên kết và nhiều hoạt động sản xuất khác. Nếu trung thực và minh bạch về tài chính thì EVN phải đưa tất cả các khoản thu từ lãi vào hạch toán giá thành điện.

Kết quả kiểm toán năm 2010 cho thấy những khoản thu từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh nêu trên của EVN lên đến 2.900 tỷ đồng, trong đó riêng khoản cho thuê cột điện, nhượng bán vật tư… đã lên đến 400 tỷ đồng. Theo phân tích, tính toán của Kiểm toán Nhà nước, nếu hạch toán nguồn lãi này và nguồn thu các khoản lãi đầu tư khác, có thể giảm giá thành điện 34 đồng/kWh.

Người dân lẫn doanh nghiệp ngày càng bất bình trước những việc làm thiếu minh bạch của EVN, dư luận vẫn chưa quên chuyện EVN trả lương cho cán bộ nhân viên cao hơn mặt bằng chung và kêu lỗ mà vẫn xài sang, trả lương “khủng”. Vậy có phải EVN để lại phần lãi này để tự chi trả nội bộ và qua mặt các cơ quan chức năng? Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát lại khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng không được hạch toán của EVN như nêu trên. Cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra rộng hơn các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của EVN xem thực chất lời lãi như thế nào và tại sao phải tăng giá điện liên tục?

Từ kết quả kiểm toán, dư luận cũng bức xúc trước thực tế nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ ngân sách theo đúng quy định, thậm chí còn kê khai các khoản phải nộp chưa đầy đủ. Số tiền mà các doanh nghiệp nhà nước vừa bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện đề nghị xử lý tài chính lên đến 21.700 tỷ đồng, nếu kiểm toán rộng rãi trong cả nước sẽ rất lớn.

Trong tình hình thu ngân sách gặp khó khăn, Nhà nước đang thắt chặt chi tiêu, việc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cố tình giấu nguồn thu và lợi nhuận cần phải bị xử lý nghiêm để làm gương.

HÙNG TRẦN (quận 10, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục