Tài trợ cho khoa học - Cách quảng bá đất nước hiệu quả

Thật chí lý khi nghe GS.TS Vladimir Kolokov lưu ý rằng việc quảng bá hình ảnh đất nước không chỉ bó hẹp trong những thước phim đẹp về bãi biển, khách sạn, một sản phẩm nào đó, mà còn qua kênh quảng bá nền văn hóa đất nước từ các công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nữa (báo Tuổi Trẻ ngày 8-12-2008).

Lâu nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) thường chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ của mình nên chủ yếu chỉ tài trợ cho những hoạt động mang tính “bề nổi” như các cuộc thi sắc đẹp, các chương trình ca nhạc hay tham gia đấu giá các sản phẩm để làm từ thiện… mà thôi. Bởi lẽ, thông qua những động tài trợ này, DN thu được “lợi ích trực tiếp”- tên tuổi của mình được xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cũng chính vì chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ và những hình ảnh đất nước chỉ bó hẹp về thiên nhiên, người đẹp nên người ta… thờ ơ với việc tài trợ cho những nghiên cứu, hội thảo về văn hóa Việt.

Lẽ tất nhiên, các hội thảo, các nghiên cứu thì không thể được giới truyền thông tuyên truyền rầm rộ, thế nhưng đôi khi chỉ với một kết luận khoa học của những nhà khoa học có uy tín về đất nước, con người VN thôi, cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn khác về đất nước chúng ta.

Đối với VN, hiện chưa có những nghiên cứu hay hội thảo nghiêm túc nào bàn về những câu hỏi như: Đâu là những phẩm chất nổi trội của người Việt? Người Việt có tinh thần kỷ luật, đoàn kết và tự giác không? Người VN có tôn trọng chữ tín trong kinh doanh và làm ăn buôn bán? VN có những thế mạnh nào về mặt kinh tế so với các nước khác trong khu vực và thế giới?...

Chúng tôi cho rằng đó là những câu hỏi mà thế giới muốn biết về VN, chứ không phải chỉ đơn thuần là những danh lam thắng cảnh hay các món ăn ngon (vốn chỉ dành cho khách du lịch). Tất nhiên, họ sẽ không tin vào những lời quảng cáo hay những bài thuyết trình mang tính “võ đoán”, “định tính” mà câu trả lời cho những câu hỏi đó cần phải được rút ra từ các nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Và không nơi nào có sự chuẩn thuận tốt hơn ngoài các cuộc hội thảo khoa học quốc tế quy tụ các nhà nghiên cứu, học giả hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Và để những cuộc hội thảo như thế có thể diễn ra, chúng ta phải là “đầu mối” chứ không ai khác được, bởi việc tài trợ cho các hội thảo khoa học về VN rất cần thiết, chúng mang lại lợi ích chung cho quốc gia chứ không chỉ của riêng một DN hay một nhà tài trợ nào đó.

Các DN, công ty hàng đầu thế giới như Ford, Toyota... đều quan tâm đến việc tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, hội thảo từ rất lâu. Chẳng hạn như Quỹ Toyota (của hãng ôtô Nhật Bản) được thành lập từ năm 1974 với mục tiêu là “mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho nhân loại và sự phát triển của xã hội” trên toàn thế giới và tổng số tiền tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu học thuật trong năm 2008 của quỹ này đã lên đến 561 triệu yên.

Còn Quỹ Ford thì ra đời từ năm 1936 và hiện đang tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, học thuật của 50 quốc gia thuộc nhiều châu lục trên thế giới. Tất nhiên quy mô của các DN VN còn hạn chế nên khó có thể tài trợ ở tầm quy mô quốc tế, nhưng tài trợ trong nước thì nằm trong tầm tay.

Vì vậy, đã đến lúc các DN Việt cần “phóng tầm mắt” xa hơn, quan tâm đến những hoạt động tài trợ có chiều sâu hơn là những hoạt động bề nổi và thiên về giải trí như lâu nay. 

LÊ MINH TIẾN

Tin cùng chuyên mục