LTS: Ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp khả thi để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội được thảo luận tại các kỳ họp HĐND các tỉnh, thành đang là vấn đề người dân quan tâm. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bạn đọc chung quanh vấn đề này.
- Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp
Nước ta hiện vẫn là một nước nông nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp chiếm quá nửa GDP. Phần lớn nông sản đều được xuất thô, từ cà phê, hạt tiêu, điều… Ngay như lúa gạo, tỷ lệ gạo thơm vẫn còn thấp. Như vậy cần nâng cao tỷ lệ gạo thơm, nâng cao tỷ lệ chế biến cà phê, cao su, hạt điều… Theo đó, phải đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng và năng suất. Về sản xuất công nghiệp, nước ta hiện chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực hiện đại do chỉ có xí nghiệp cơ khí nhỏ lẻ. Ngành công nghiệp đã buông lơi nhiệm vụ phục vụ dân sinh nên ta phải nhập từ con dao thái thịt. Do đó, đối với sản xuất công nghiệp, không phải là tái cơ cấu mà phải đẩy mạnh hơn nữa, phải trang bị những thiết bị gia công cơ khí hiện đại cho các xí nghiệp sản xuất công nghiệp đủ sức đáp ứng nhu cầu của quốc dân.
KS TRẦN QUỐC KHẢI
- Điều chỉnh cung cách quản lý, điều hành
Với 67 đài phát thanh, truyền hình (PT-TH) trong cả nước (gồm 63 đài địa phương, 4 đài trung ương), một số đài lại gồm nhiều kênh, có thể nói chúng ta đang đứng trước hai tình cảnh hoàn toàn đối lập nhau: vừa “đói”, lại vừa bội thực phát. “Đói” là phần nội dung chương trình cung cấp cho ngần ấy đài, kênh PT-TH với thời lượng phát sóng ngày càng tăng trong điều kiện thực lực có hạn như hiện nay, rõ ràng khó lòng làm xuể. Nhưng mặt khác, do không đủ nội dung để lấp đầy khoảng trống, các nhà đài buộc phải phát đi phát lại các chương trình đã thu, kể cả chữa cháy bằng cách thường xuyên chiếu các bộ phim nhiều tập của nước ngoài (phần lớn là phim Trung Quốc, Hàn Quốc), đài này phát trùng với đài kia.
Trên lĩnh vực kinh tế cũng vậy: Tỉnh A thấy tỉnh B có sân bay, cảng biển cũng cố gắng “chạy” để có (trước đây “chạy” làm nhà máy đường, xi măng lò đứng… với công nghệ lạc hậu mà đến nay vẫn còn phải giải quyết hậu quả). Riêng đối với một số tập đoàn kinh tế lớn, đã từng có tình trạng chạy theo kinh doanh một số lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính của mình. Theo tôi, đây chính là cung cách quản lý, làm ăn kiểu sứ quân: Mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành như một sứ quân. Hễ cái gì người ta có, mình cũng phải có, không ai chịu kém ai. Chỉ có Nhà nước và nhân dân chịu thiệt bởi tiền đóng thuế của dân, tiền thu ngân sách của nhà nước lắm khi như gió vào nhà trống, mà hiệu quả mang lại chẳng thấy gì (hoặc không đáng kể).
Đã đến lúc cần xem xét, điều chỉnh cung cách quản lý, điều hành kinh tế, văn hóa… của cả nước sao cho thiết thực, hiệu quả theo hướng tăng cường sự điều tiết quản lý của trung ương; tập trung xây dựng, phát triển thế mạnh của các vùng, miền, khu vực hơn là phân cấp đại trà theo đơn vị tỉnh, thành như hiện nay.
PHAN TRỌNG HIỀN