Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải TPHCM - nếu được HĐND, UBND TPHCM chấp thuận - thì từ 1-3-2009, giá vé tất cả các tuyến xe buýt tại TPHCM được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng.
Cụ thể, đối với tuyến từ 31km trở lên, khách đi lại dưới nửa cự ly tuyến, thay vì phải trả 3.000 đồng/vé như hiện nay thì phải trả 4.000 đồng; đi lại từ nửa cự ly tuyến trở lên từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt. Những tuyến xe buýt nhanh (xe dừng ít trạm hơn), giá vé sẽ là 6.000 đồng thay vì mức 5.000 đồng như trước. Ngoài ra, các hình thức vé tháng và vé năm cũng sẽ tăng 20.000 - 30.000 đồng/loại hình.
Trước đây, khi xăng A92 ở mức 19.000 đồng/lít, dầu diesel 15.950 đồng/lít, vé xe buýt có giá 3.000 - 4.000 đồng/tuyến, nhiều người dân đã chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính thay vì dùng xe máy. Đến thời điểm này, giá xăng giảm xuống còn 11.000 đồng và giá dầu diesel còn 10.500 đồng/lít, giá vé xe buýt chẳng những không giảm mà còn tăng thì chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại dùng phương tiện xe máy, vì như thế sẽ tiện lợi hơn.
Đối với một số người, việc xe buýt tăng giá thêm 1.000 đồng không ảnh hưởng bao nhiêu nhưng với những hành khách là học sinh, sinh viên nghèo như chúng tôi, việc tăng giá vé xe buýt là cả một gánh nặng vì nếu đi 2-3 tuyến, cả đi và về mất khoảng 20.000 - 30.000 đồng, đồng nghĩa với mỗi tháng chúng tôi mất 600.000 - 900.000 đồng cho việc đi xe buýt. Đây là khoản tiền quá lớn đối với học sinh, sinh viên tỉnh lẻ như chúng tôi.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, khách hàng đi xe buýt còn nhiều bức xúc vì thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên xe buýt như chạy ẩu, bỏ chuyến, bỏ khách, xe chưa dừng hẳn khi trả, đón khách; phân biệt khách đi vé tháng, vé tập thì việc tăng giá vé sẽ càng khiến người dân “quay lưng” với xe buýt, chủ trương vận động người dân “cùng buýt” của thành phố sẽ khó thành công.
Huỳnh Tấn Lập
(SV Trường ĐH KHXH-NV TPHCM)