Theo dự báo của các chuyên gia địa ốc từ 5 năm trước, thị trường phía Đông TPHCM sẽ khởi sắc sau khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được kết nối. Từ khi quận 2, quận 9 kết nối với quận 1 và quận 7 qua hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, các dự án bất động sản ở khu vực phía Đông đồng loạt triển khai.
Được “mùa” nhờ cầu Phú Mỹ...
Năm 2003, có tiền nhàn rỗi, ông Thuận (ngụ tại quận 12) mua 5.000m² đất tại phường Phú Hữu, quận 9 với ý định sau này về dưỡng già. Từ khi hoàn thành cầu Phú Mỹ, giá đất tăng lên nhiều lần, ông Thuận đổi ý cắt bán bớt số đất nêu trên, thu về một số khoản lời. Hiện ông Thuận chỉ còn giữ lại 1.000m² nhưng vẫn có nhiều người năn nỉ ông sang lại. Trường hợp như ông Thuận không phải là hiếm. Theo tiết lộ của ông Tiên, nhân viên phòng môi giới có trụ sở tại đường Liên tỉnh lộ 25B, trong vòng hai tháng, sau khi cây cầu Phú Mỹ hoàn thành, bản thân ông môi giới thành công 10 vụ mua bán bất động sản, chủ yếu từ các dự án đất xung quanh hoặc đất ký gởi trong dân với diện tích lớn. Khảo sát của chúng tôi tại một số sàn giao dịch bất động sản tại quận 2 cũng cho thấy, gần đây, nhiều dự án ở khu vực này được chào bán, mức độ giao dịch thành công tăng đáng kể. Cụ thể, sàn giao dịch địa ốc Đất Ngọc cho biết, từ sau khi các công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, trong đó có hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ thì số vụ giao dịch bất động sản phía Đông thành phố tăng 200%.
Lý giải về tình trạng tại sao thị trường địa ốc đang trong thời kỳ đóng băng nhưng thị trường tại khu vực phía đông thành phố vẫn bán được, giám đốc một công ty địa ốc cho rằng, đa số khách hàng tham gia vào thị trường bất động sản chủ yếu là vì nhu cầu nhà ở và các nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi mua để đầu tư nhằm đón đầu hàng loạt các công trình hạ tầng đang phát triển mạnh về phía đông thành phố.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Tấc Đất Tấc Vàng cũng cho rằng, trong khi nhà đất ở các quận nội thành như Bình Thạnh, Phú Nhuận, Khu Nam Sài Gòn… đã có mức giá khá cao và đang bão hòa, ở khu vực phía đông thành phố, giá nhà đất còn đang ở mức hợp lý và đặc biệt là có tiềm năng phát triển nhờ vào chủ trương phát triển hạ tầng của khu vực này.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real thừa nhận, nói về hạ tầng, thì quận 2, quận 9 đang có nhiều lợi thế so với các quận huyện khác. Trên địa bàn quận 2 hiện có đến 260 dự án bất động sản. Các dự án điển hình là dự án căn hộ cao cấp 38,4ha Bình Khánh, dự án khu 30,2ha Bình Khánh do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 đầu tư xây dựng 4.213 căn hộ, dự án khu căn hộ 17,3ha Bình Khánh do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đầu tư xây dựng 1.844 căn hộ...
Khu đông của TP Hồ Chí Minh
Trong quy hoạch phát triển đô thị TPHCM đến năm 2025, TP đã xác định xây dựng khu đô thị vệ tinh đông TPHCM. Hạt nhân của khu đông là khu đô thị mới Thủ Thiêm được nước ngoài quy hoạch và khu quận 9 với cụm khu công nghệ cao quy mô 872ha, khu đại học quốc gia có quy mô 800ha, công viên văn hóa lịch sử dân tộc quy mô 395ha…
Thật ra, ý đồ phát triển thành phố về phía đông đã có từ những năm 1970 của thế kỷ trước nhưng chưa thành hiện thực bởi nhiều lý do, trong đó có việc thiếu các công trình giao thông kết nối khu đô thị hiện hữu và vùng đất mới.
Hai công trình có ý nghĩa quan trọng để hình thành Khu đông của TP. Hồ Chí Minh là hầm Thủ Thiêm nối quận 1 và quận 2 và cầu Phú Mỹ nối quận 2 với quận 7. Nếu như công trình hầm xuyên sông dài nhất Đông Nam Á mang dấu ấn Việt – Nhật thì cầu Phú Mỹ được cho là một công trình khởi đầu cho hợp tác công – tư (PPP). Đây là cây cầu dây văng hiện đại có qui mô bậc nhất Việt Nam, do đơn vị trong nước đầu tư và thầu xây dựng nước ngoài thi công. Sau khi hoàn thành, cầu Phú Mỹ được liệt vào một trong những biểu tượng của TPHCM.
Sau khi thông xe và khánh thành vào ngày 2-9-2009, cầu Phú Mỹ và đại lộ Võ Văn Kiệt là những gạch nối quan trọng của tuyến đường vành đai phía đông. Nếu hoàn thành việc kết nối cầu Phú Mỹ với các tuyến đường đã có như xa lộ Hà Nội và trong tương lai là tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, càng chứng tỏ thành phố Hồ Chí Minh có vai trò như một đầu mối giao thông quan trọng, nối miền đông Nam bộ với miền tây Nam bộ. Đây cũng là một lợi điểm để kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi theo hướng phát triển mạnh về dịch vụ tài chính trên cơ sở phát triển ngành logistic.
| |
Linh Tùng