Để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng hàng không, cần phải có những cơ chế đột phá trong việc kêu gọi đầu tư.
Các sân bay quá tải
Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về hàng không gần đây, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), cho biết, tính đến nay, có 45 hãng hàng không đang khai thác 55 đường bay quốc tế đến/đi từ VN, các hãng HKVN đang khai thác 40 đường bay nội địa. Theo số liệu thống kê, tổng lượng khách và hàng hóa thông qua cảng HKVN trong năm 2010 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2000...
Những số liệu này chứng tỏ thị trường hàng không đang tăng trưởng rất mạnh, nhưng ngành hàng không lại chưa phát triển tương ứng, chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Rất nhiều tuyến bay, khách đông đến mức phải đăng ký trước nhiều ngày, nhiều tuần mới được bay, thế nhưng các hãng hàng không vẫn không thể tăng chuyến vì thiếu máy bay.
Thời gian gần đây, để có đủ máy bay phục vụ nhu cầu thị trường, các hãng hàng không trong nước đã và đang mua thêm nhiều máy bay mới. Song có một thực tế, khi số lượng máy bay ngày càng tăng thì bãi đậu không thể đáp ứng. Với kế hoạch phát triển đội bay của VNA và JPA, chỉ 2 - 3 năm nữa, lượng máy bay sẽ trên 100 chiếc. Con số này cộng với số lượng vài trăm chiếc của các hãng hàng không quốc tế có chuyến bay đến VN sẽ là thách thức lớn đối với ngành hàng không khi bãi đậu máy bay ở sân bay VN quá hạn hẹp (sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có sức chứa 40 chiếc).
Lãnh đạo Hãng Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, việc các sân bay đang quá tải đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các hãng hàng không. Một chuyến bay bị chậm sẽ kéo theo các chuyến sau đó chậm theo. Ngoài việc mất thời gian của hành khách, việc chờ đợi đến lượt bay cũng làm hao tốn không ít kinh phí của các hãng hàng không. Trên thực tế, hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã quá tải trầm trọng. Theo đó, nhà ga T1 Nội Bài có công suất thiết kế khoảng 6 triệu khách/năm, nay phải gồng mình phục vụ tới 10 triệu lượt khách. Nhà ga Tân Sơn Nhất dù đã tách nhà ga quốc tế riêng, song ga nội địa cũng quá tải trầm trọng.
Cần đột phá về cơ chế
Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất chứng tỏ chủ trương của Chính phủ cho triển khai xây dựng Dự án sân bay quốc tế Long Thành là cần thiết. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nhẹ nhàng hơn với vai trò là sân bay của TPHCM, còn Long Thành sẽ đóng vai trò sân bay cho cả vùng miền Đông Nam bộ.
Cùng với sân bay quốc tế Long Thành được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, hiện nay, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Nội Bài (tổng vốn đầu tư 800 triệu USD) cũng đã được Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không miền Bắc làm chủ đầu tư. Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng và sân đậu máy bay nhà ga T2 do Cục HKVN làm chủ đầu tư. Nếu các dự án nói trên được đầu tư đúng tiến độ, hạ tầng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ đáp ứng được nhu cầu khai thác trong vòng 5 – 10 năm. Do vậy, Bộ GTVT hiện chưa có nhu cầu gọi vốn FDI vào Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng hàng không, theo Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục HKVN Phạm Quý Tiêu, cần phải có những cơ chế đột phá về kêu gọi đầu tư, cần phải hiện thực hóa những dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hàng không bằng nguồn vốn FDI… Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có chi phí xây dựng giai đoạn I (chưa bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) dự kiến lên tới gần 7 tỷ USD đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.
Nguyễn Thu Tuyết