Đại biểu ĐỖ ĐỨC HIỂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Ủng hộ để nuôi dưỡng nguồn thu
Về tỷ lệ điều tiết cụ thể của các địa phương, với TPHCM chúng ta đều biết đây là địa phương đóng góp cho ngân sách trung ương nhiều nhất. Trong 3 giai đoạn ổn định ngân sách gần đây thì tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm, hiện là 18%.
Trong khi đó, nhu cầu để phát triển TPHCM, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn. Tôi được biết, để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, đồng thời giải quyết nhiều điểm nghẽn về hạ tầng, đô thị, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã xây dựng các đề án để đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết này, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Mặt khác, năm 2021 thành phố phải chịu tổn thất rất lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Do đó, với tinh thần cả nước vì thành phố, tôi tán thành việc đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết của thành phố một cách phù hợp để tạo điều kiện cho thành phố tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là mong mỏi từ bấy lâu nay của cử tri, nhân dân thành phố.
Việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, theo tôi, cũng là giải pháp để thành phố phát triển, đóng góp trở lại cho ngân sách trung ương, đó là cách để chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, vì TPHCM là một cực tăng trưởng rất mạnh của cả nước. Tôi cho rằng, đây là chủ trương phù hợp và tôi hoàn toàn tán thành.
Đại biểu NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Trong bối cảnh hiện nay càng nên ủng hộ
TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước, lại là nơi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, đời sống của người dân hiện đang rất khó khăn. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính về nâng tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng cho TPHCM trong năm 2022 lên 21% thay vì 18% theo tôi là phù hợp. Đề xuất này TPHCM cũng đã đặt ra từ rất lâu, trong bối cảnh hiện nay càng nên ủng hộ. Nhiều ý kiến cũng lo lắng về nguy cơ có thể gây hụt thu ngân sách trung ương nhưng dự thảo Bộ Tài chính nêu cũng đã tính toán trong tương quan với các địa phương khác.
Ông TRẦN VĂN LÂM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV:
Sự cố gắng lớn của Trung ương
Tôi cũng đã nhận được hồ sơ tài liệu về dự toán ngân sách nhà nước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đang nghiên cứu, thẩm tra và sẽ trình ra Quốc hội vào đợt 2 của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (bắt đầu từ ngày 8-11 tới đây) để Quốc hội xem xét có thể đưa vào nội dung nghị quyết kỳ họp. Tôi cho là trong bối cảnh hiện nay tăng tỷ lệ điều tiết lên 21% là phù hợp, hài hòa giữa việc đóng góp vào ngân sách trung ương với việc để lại thêm một phần nữa cho TPHCM với vị trí là đầu tàu kinh tế phục hồi và phát triển.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
TPHCM thực sự cần nguồn lực đủ lớn
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng tỷ lệ điều tiết phần ngân sách TPHCM được hưởng từ 18% lên 21% như đề xuất của Bộ Tài chính sau nhiều năm tỷ lệ để lại quá thấp. Song, mức tăng 3% này vẫn thấp hơn mức 5% TPHCM đề nghị - mà tôi cũng cho là hợp lý. Bởi lẽ, với vai trò một đô thị đông dân nhất nước, trung tâm vùng động lực kinh tế phía Nam, TPHCM thực sự cần nguồn lực đủ lớn để giải quyết các vấn đề từ tắc nghẽn hạ tầng, ô nhiễm môi trường cho đến các vấn đề an sinh xã hội khác, nhất là sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 vừa qua.
Điều tôi băn khoăn ở đây là cơ sở khoa học của việc xác định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách giữa trung ương và địa phương. Sự thay đổi tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương - địa phương lần này cũng đặt ra câu hỏi đó. Cần phải có sự giải thích cặn kẽ bằng những tiêu chí rõ ràng cho việc tại sao tỉnh A phải tăng điều tiết về Trung ương trong khi tỉnh B lại giảm.