Nguy cơ cháy rình rập
Những ngày này, đặt chân đến Tiểu khu 265 (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi bắt gặp tổ bảo vệ rừng 5 người của xã liên tục đi tuần tra trên khu rừng thông. Tại đây, họ cùng nhau tổ chức phát dọn thực bì. Từng lớp cỏ khô dưới tán rừng được thu gom, xử lý triệt để...
Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, cho biết, do thời tiết nắng nóng cộng với diện tích rừng lớn nên nguy cơ cháy rừng cao, địa phương đang căng mình để ngăn cháy rừng. Ngoài phát dọn thực bì, tổ bảo vệ rừng của xã thường xuyên đi tuần tra.
Ngược về các xã Ia Mơ, Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), khô hạn khiến những cánh rừng trơ trọi lá. Dưới tán rừng là lớp thực bì khô, chỉ cần mồi lửa sơ suất là cánh rừng sẽ bốc cháy. Nguy cơ cháy rừng cao nên lực lượng bảo vệ tuần tra liên tục.
Tại tỉnh Gia Lai, đã có 13/17 huyện, thị xã, thành phố có mức cảnh báo cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Tại Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho biết, hiện thời tiết nắng nóng, hanh khô diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư Mgar, M’Drắk…
Tại nhiều khu rừng, mức cảnh báo cháy đang ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Dự báo thời gian tới, tình trạng nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương nên nguy cơ cháy rừng rất cao.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, các địa phương như TP Đà Lạt, các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đức Trọng, Di Linh có mức cảnh báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm (cấp IV). Ghi nhận tại TP Đà Lạt, những cánh rừng thông đang đối mặt với nguy cơ bị “bà hỏa” rình rập. Dọc quốc lộ 27 từ Đà Lạt đi Ninh Thuận, và dọc quốc lộ 27C (TP Đà Lạt đi Nha Trang), 2 bên đường là lớp thực bì dưới tán rừng thông khô khốc, rất dễ bắt lửa.
Quy trách nhiệm nếu để cháy rừng
Để hạn chế thiệt hại do cháy rừng, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang căng sức phòng chống. Theo UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị đã yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ rừng chỉ đạo tăng cường kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, biển báo cấm chặt phá.
Tương tự, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, để giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, tỉnh đã yêu cầu các chủ rừng phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm mùa khô; kiểm soát chặt chẽ người ra vào các khu rừng có nguy cơ cháy cao.
Trường hợp có cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn về tính mạng con người khi tham gia chữa cháy rừng. Đồng thời, phải chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm cũng như làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
Trong khi đó, để ngăn ngừa cháy rừng, tỉnh Lâm Đồng đã đưa vào sử dụng công nghệ và thiết bị giám sát hiện đại. Theo đó, đối với khu vực TP Đà Lạt và một số huyện, địa phương sử dụng hệ thống camera tầm cao, flycam để sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, đầu mùa khô, tỉnh đã phân bổ 11,9 tỷ đồng cho các đơn vị chủ động mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Dập tắt các đám cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên
Nguồn tin từ tỉnh Lào Cai cho biết, đến ngày 22-2, các lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai) đã khống chế và dập tắt được hoàn toàn các đám cháy, điểm cháy ở khu vực này.
Cùng ngày, tại Trung tâm chỉ huy chữa cháy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh đã chủ trì cuộc họp thống nhất phương án xử lý tiếp theo khi đám cháy đã được khống chế, dập tắt hoàn toàn; đồng thời nhất trí phương án cho rút dần và rút chậm các lực lượng khỏi những khu vực đám cháy đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị các lực lượng không được chủ quan, lơ là vì nguy cơ cháy còn rất cao, nhất là tại các vách đá còn nhiều tro tàn. Do đó, vẫn cần tiếp tục duy trì lực lượng canh gác, giám sát tại các điểm cháy, cắt cử người kiểm tra kỹ từng vạt đất, gốc cây, không để ngọn lửa bùng phát trở lại; các lực lượng tiếp tục sử dụng flycam theo dõi, phát hiện điểm cháy để kịp thời xử lý.
PHÚC HẬU