“Tệ hoa hồng” và y đức

Câu chuyện về việc các công ty dược thông qua mạng lưới trình dược viên (TDV) bắt tay với bác sĩ cũng như giới quản lý bệnh viện cùng đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi là điều không hề mới mẻ. Câu chuyện về mối “liên minh ma quỷ” giữa công ty dược-người chữa bệnh thông qua mạng lưới TDV ấy đã xuất hiện từ khá lâu, thế nhưng cho đến nay mọi sự vẫn đâu vào đấy và hai tác nhân là công ty dược và bác sĩ vẫn tiếp tục làm giàu trên thân phận của những bệnh nhân, trong đó đa số là người nghèo.

Bài toán này không hề mới nhưng tại sao cơ quan quản lý chưa giải được? Có thể trả lời rằng một trong những nguyên nhân đầu tiên là do Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan khác như Cục Quản lý dược đã thiếu trách nhiệm, hay nói cách khác là không muốn triệt tiêu tệ nạn hoa hồng một cách triệt để. Vì thế, lâu nay chúng ta vẫn xử theo kiểu manh mún, phát hiện quả tang bác sĩ nào ăn hoa hồng thì “xử” bác sĩ đó, chứ không trị từ gốc.

Tại sao lại có thể để cho các công ty dược tự do cho thuốc chạy “lòng vòng” để nâng giá cao hơn gấp nhiều lần giá nhập khẩu (CIF) nhằm lót tay cho giới quản lý bệnh viện/bác sĩ? Thủ đoạn này liệu có tinh vi và phức tạp đến mức Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan có liên quan không thể phát hiện được nên không thể xử lý?

Câu chuyện đau lòng về việc bác sĩ ăn hoa hồng để đẩy giá thuốc lên cao còn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn về vai trò của Hội đồng y đức mà TPHCM đã thành lập hơn một năm qua. Một trong những chức năng của hội đồng này là đánh giá và tham mưu cho Sở Y tế các sai phạm về y đức trong các hoạt động y tế tại TPHCM để làm cơ sở xử lý...

Vậy trước thực trạng móc nối giữa các cơ sở điều trị và bác sĩ với các công ty dược nhằm trục lợi trên người bệnh trong thời gian dài vừa qua, hội đồng này đã làm được gì? Chẳng lẽ hội đồng được thành lập chỉ để có vai có vế cho những người được cho là có “uy tín” trong và ngoài ngành y tế thôi sao? Cuối cùng, chuyện hoa hồng và bác sĩ còn đặt lại một cách nghiêm khắc vấn đề đào tạo dược sĩ, bác sĩ của chúng ta.

Có thể nói, cùng với ngành sư phạm, nghề y là nghề mà trước hết, người ta cần giáo dục phải biết đặt chữ “đức” lên hàng đầu, chứ không phải là chữ “lợi”. Thế nhưng, với thực trạng hiện nay có thể khẳng định các trường đào tạo y dược của chúng ta đã không cung cấp được cho xã hội những người thầy thuốc xứng đáng với mong đợi của xã hội, đó là phải đặt sinh mạng của người bệnh lên trên lợi ích cá nhân.

Vấn nạn này cũng đặt ra câu hỏi về lời thề Hippocrates của các bác sĩ, liệu họ có tâm niệm điều họ tuyên thệ hay chỉ là “đầu môi chót lưỡi” cho đủ thủ tục trước khi ra trường? Xử lý một hay mười ông bác sĩ cũng không giải quyết được vấn đề nêu trên một cách căn cơ. Điều cần thiết là phải tìm ra các giải pháp giải quyết tận gốc thì mới có thể triệt tiêu được “tệ hoa hồng”. 

LÊ MINH TIẾN

Tin cùng chuyên mục