Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường ở TPHCM xuất hiện nhiều cụ già đứng ở các ngã tư, ngã ba bán những bịch tăm bông, vé số và ăn xin. Ít ai biết rằng đằng sau họ là những kẻ khỏe mạnh giấu mặt đang chăn dắt, ăn bám người già. PV đã xâm nhập đường dây này để vạch trần hành vi của những kẻ táng tận lương tâm.
Cụ già bán tăm bông, xin tiền ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM).
Nhởn nhơ bóc lột
Khoảng 3 tháng nay, tại nhiều góc giao lộ ở quận 1 và quận 3 xuất hiện những người già bán tăm bông và xin tiền người đi đường. 15 giờ, tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), một phụ nữ dáng người nhỏ thó, chừng 30 tuổi, chạy xe máy 36 R3-1131, chở một bà lão khoảng 80 tuổi tới đây thả bà cụ xuống, đưa cho vài bịch tăm bông rồi dặn dò nhỏ to. Giao xong việc, người đàn bà phóng xe đi, khoảng 20 phút sau quay trở lại, chở đến thêm một cụ ông cũng chừng 80 tuổi, thả xuống, rồi đi tới vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai ngồi quan sát, chờ thu tiền. Tới 16 giờ, tại góc đường này phía Cách Mạng Tháng Tám lại có một cụ ông được một người đàn ông chừng 40 tuổi chở trên xe máy thả xuống, trước khi đi, tên này còn nạt nộ: “Đ.M. hôm nay ông không xin đủ tiền, tôi trừ tiền lương, bớt bữa ăn của ông!”.
Qua nhiều ngày quan sát và tìm hiểu chúng tôi được biết người phụ nữ này tên Hương và người đàn ông kia tên Khải, cả hai cùng chung một hội, hàng ngày Khải giao cho Hương quản lý 3 cụ già này. Mỗi chiều, khoảng 17 giờ, khi thấy cụ bà đã xin được khá nhiều tiền, Hương liền tiến tới lấy bỏ vào túi. Cứ khoảng 30 phút, Hương đổi địa điểm theo dõi một lần, mắt không ngừng quan sát xem có ai theo dõi không, mỗi khi thấy có ai hỏi thăm các cụ thì Hương đều nhanh nhảu tiến tới ngăn cản, bảo đây là bố mẹ, người nhà của mình để khỏi bị nghi ngờ. Suốt cả buổi chiều và tối, các cụ già phải liên tục bán hàng và xin tiền mà không có gì ăn. Tới 23 giờ 30 tối, khi đường phố đã vắng người qua lại, Hương lấy xe gửi ở một chung cư gần đó chạy tới chở một cụ về. Còn Khải đến chở hai cụ còn lại. Chúng tôi bám theo Hương và Khải về tới một căn nhà trọ ở hẻm 590 đường Ba Tháng Hai (quận 10) và hôm sau trở lại xóm này tìm hiểu thêm thông tin.
Theo anh Yến, nhân viên bảo vệ một cửa hàng gần ngã tư mà 3 cụ già này thường xin tiền, cho biết: “Nhiều tháng nay, hầu như ngày nào cũng có người chở các cụ tới đây, đến khuya lại chở về. Tôi cũng thắc mắc rằng người đàn bà thường xuyên ngồi từ xa quan sát các cụ là ai, nên đã hỏi thăm, chị ta trả lời rằng đó là bố mẹ của mình, ở quê khó khăn quá nên đưa vào đây xin tiền cho dễ”.
Người phụ nữ tên Hương đang quan sát các cụ già từ xa.
Ai bảo vệ các cụ?
Với số tiền các cụ kiếm được có khi lên đến cả triệu đồng mỗi ngày, những kẻ chăn dắt có thể sống nhởn nhơ, lợi dụng lòng thương hại của mọi người và sức lao động của những người già. Nhưng vì sao những người già lại cam chịu bị chăn dắt, bóc lột như vậy? Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi nhận ra các đối tượng này dùng phương thức tìm những người già không nơi nương tựa, dụ dỗ họ “hợp tác ăn chia”. Thường những người già này phải nộp cho họ toàn bộ số tiền kiếm được, đổi lại sẽ được trả lương hàng tháng, được cho ăn và bảo kê địa bàn hoạt động, không bị tranh giành, không lo bị côn đồ trấn lột.
Những cụ già mà Hương và Khải chăn dắt đều quê ở Thanh Hóa, đã ngoài 80 tuổi, vào TPHCM từ nhiều tháng nay. Bà cụ tên Mến (84 tuổi) cho biết: “Ở quê tôi cũng có con cháu, nhưng thấy tụi nó nghèo khó quá, tôi không đành. Có một người ở huyện Yên Định đến rủ tôi vào TPHCM bán tăm bông. Tôi nghĩ chắc cũng kiếm được ít tiền sống qua ngày, nên đi theo”. Cụ Mến còn cho biết thêm: “Hàng tháng được trả cho 2,5 triệu đồng, bao ăn ở. Biết mình bị ăn chặn, vì mỗi ngày ít nhất tôi cũng xin được 500.000 đồng, nhưng cũng đành chịu, vì ít ra mình cũng còn lại chút đỉnh để nuôi thân”.
Hiện nay, có một số đối tượng thường chiêu dụ những người già neo đơn, cuộc sống khó khăn quê ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... theo họ vào TPHCM xin ăn, với lời hứa hẹn sẽ được bao ăn ở và cho một số tiền phòng thân, gửi về cho con cháu ở quê. Hầu hết những người này đều không còn sức lao động và cũng không có khả năng tự bảo vệ mình, bởi vậy, họ đành cam chịu bị kẻ xấu chăn dắt kiếm lợi bất chính.
Luật Người cao tuổi có quy định cấm lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để vụ lợi. Như vậy, rõ ràng việc chăn dắt các cụ già đi ăn xin để thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, rất khó có thể xử lý những người chăn dắt người già đi ăn xin. Bởi khi chính quyền địa phương tìm hiểu, những người này đều khai là họ hàng của nhau, cả hai bên đều tự nguyện làm việc và có đăng ký tạm trú tại địa phương. Những đường dây chăn dắt như thế này đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng số vụ được phát hiện và xử lý vẫn còn quá ít.
| |
HUYỀN NHÃ