Tết Trung thu không của thiếu nhi

Trong ký ức nhiều người, Tết Trung thu thật đơn giản, ấm cúng với các loại đồ chơi như đèn ông sao, đèn kéo quân; bánh dẻo, bánh Trung thu… đậm tính truyền thống. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình sum họp đông vui, trẻ em cùng nhau múa hát, phá cỗ đón trăng rằm. Bên cạnh đó, phong tục con cháu tặng quà ông bà, cha mẹ; học trò tặng quà thầy cô cũng được thực hiện nhằm bày tỏ lòng kính trọng, tri ân. Tuy nhiên, ngày nay việc tặng quà nhiều khi đã biến tướng trở thành thước đo nặng, nhẹ cho những mục đích, toan tính khác.

Dạo quanh thị trường, người tiêu dùng dễ nhận thấy bánh Trung thu phục vụ biếu, tặng ngày càng nhiều, với mẫu mã bắt mắt, giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp vừa tung ra thị trường loại bánh phủ vàng 24k (gồm bánh rồng và bánh cá chép) có giá khoảng 6 triệu đồng/hộp; có doanh nghiệp đưa ra loại bánh với giá 12 triệu đồng/hộp (4 bánh kèm 1 chai rượu ngoại)… Ngoài ra, các hộp bánh có giá trên 1 triệu đồng bày bán khá nhiều, được xem là hàng “bình dân” trong việc biếu tặng.

Theo thống kê của một số doanh nghiệp lớn, có đến 70% số lượng bánh Trung thu bày bán trên thị trường phục vụ nhu cầu biếu tặng của các cá nhân, tổ chức… Như một lẽ tất yếu, các món quà cao cấp sẽ được người này biếu người kia, tặng cho người nọ để thể hiện sự “biết ơn”, hy vọng được cất nhắc, chiếu cố... chứ chẳng phải dành cho thiếu nhi. Với giá bán trên trời thế này, chẳng phụ huynh nào dám bỏ tiền mua về cho con ăn; ngược lại, chẳng ông bà, cha mẹ nào dám nhận món quà xa xỉ từ con cháu biếu, tặng.

Ngày nay, trẻ em háo hức chờ đợi được phá cỗ Trung thu nhưng nhiều phụ huynh, người lớn lại lo lắng chuẩn bị quà biếu, tặng với hàng vạn lý do. Tất nhiên, mục đích cuối cùng là gì thì chỉ người trong cuộc rõ hơn cả. Nếu chỉ nhìn vào con số đẹp mà doanh nghiệp thống kê mỗi năm (số lượng bánh Trung thu năm sau tăng hơn năm trước), nhà tiêu dùng lầm tưởng nhu cầu tiêu thụ bánh của trẻ em trong nước rất lớn. Thực tế ngược lại, đối tượng tiêu thụ nhiều nhất chính là… người lớn, nhưng không phải để ăn mà là để tặng. Tết Trung thu hiện nay đa phần đã biến tướng, trở thành ngày hội tặng quà với mục đích cá nhân, vụ lợi. Từ đó dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng…

Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, tất bật như hiện nay, để có một chút thời gian sum họp, mọi người thăm hỏi lẫn nhau quả thực vô cùng đáng quý. Sẽ chẳng có gì đáng trách nếu cả người biếu, người nhận quà đều xuất phát từ tấm chân tình, món quà tặng đơn giản là hộp bánh đúng nghĩa. Nhưng có lẽ đó chỉ là mong mỏi, bởi thực tế “ẩn” sau mỗi gói quà kèm thêm không ít những thứ giá trị khác. Nhiều người hoài nghi, không biết Tết Trung thu có còn là tết của thiếu nhi hay đã trở thành tết của người lớn?

Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức đã được ban hành nhiều năm qua nhưng xem ra chưa phát huy hiệu quả. Nhà nước cần có các quy định cụ thể, thiết thực hơn để chặn đứng biến tướng biếu tặng dịp Tết Trung thu ngày càng lan rộng.

NGÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục