Thấm đẫm nhân nghĩa đồng bằng

Thấm đẫm nhân nghĩa đồng bằng

Dạ cổ hoài lang

Mấy ngày qua, Bạc Liêu tưng bừng lễ hội kỷ niệm 94 năm bản nhạc Dạ cổ hoài lang (1919 - 2013) của nghệ nhân Cao Văn Lầu. Các sự kiện xoay quanh lễ hội rất phong phú như giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT), thi tìm hiểu nghệ thuật ĐCTT và Dạ cổ hoài lang; viếng mộ, tham quan Khu di tích Cao Văn Lầu… Đặc biệt đêm cuối cùng (19-9) còn có sự góp mặt của ba đoàn cải lương lớn là Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), đoàn cải lương Cà Mau, đoàn cải lương Tây Đô (Cần Thơ)…

Lễ hội kỷ niệm 94 năm bản nhạc Dạ cổ hoài lang.

Lễ hội kỷ niệm 94 năm bản nhạc Dạ cổ hoài lang.

94 năm đã trôi qua, ngắm nhìn các bạn trẻ Bạc Liêu say sưa, đắm mình trong những ca từ: Chàng là chàng có hay đêm thiếp nằm luống những sầu tây… càng thấy sức quyến rũ lâu dài của bản nhạc này. Thiếu úy Ngô Duy Tân thuộc Phòng Công tác chính trị Công an Bạc Liêu, thành viên tham dự cuộc thi tìm hiểu nghệ thuật ĐCTT cho biết rất hãnh diện khi quê hương có nhiều nghệ sĩ tài danh tên tuổi, đặc biệt là nghệ nhân Cao Văn Lầu. Ở Bạc Liêu hầu như ai cũng biết ca, thích ca, nhất là ca bản Dạ cổ hoài lang. Khách du lịch, khách quốc tế mỗi khi đến Bạc Liêu đều đòi nghe bản nhạc Dạ cổ hoài lang.

94 năm qua, vật đổi sao dời đã nhiều nhưng bản nhạc đó vẫn in đậm, sống mãi, ngân nga hoài suốt gần 1/3 chặng đường hình thành dải đất phương Nam; làm sáng danh 3-4 thế hệ nghệ nhân nghệ sĩ nối tiếp. Dạ cổ hoài lang là viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc Việt Nam ẩn chứa tính năng động, phóng khoáng đậm chất nghệ sĩ của người Bạc Liêu qua sự biến hóa linh hoạt về nhịp điệu. Từ nhịp 2 ban đầu đã chuyển sang nhịp 4, trở thành bản vọng cổ đầu tiên rồi dồn dập hơn với nhịp 8, 16, 32, 64 phù hợp với nhịp sống xã hội đổi thay.

94 năm qua, Dạ cổ hoài lang vẫn như một dòng chảy ngày càng thăng hoa, đậm đà. Dạ cổ hoài lang đã không chỉ là nỗi buồn chia ly phu phụ của riêng ai nữa mà đã trở thành tiếng lòng tri âm tri kỷ da diết, sắt son chung thủy; là cách sống, lẽ sống đầy nhân nghĩa, vẹn tròn trước sau của nhiều thế hệ nơi đây và cả châu thổ. Và sẽ vượt xa biên giới khi Tổ chức UNESCO công nhận ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện toàn nhân loại.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục