Cửa sổ thế giới

Tham nhũng vô hình ở Trung Quốc

Nỗ lực của chính phủ Trung Quốc tăng cường xây dựng nhà giá rẻ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp đang bị một số quan chức chính quyền địa phương lợi dụng, biến thành những khoản lợi nhuận kếch xù cho riêng họ, thông qua những thỏa thuận mua bán bất động sản bất hợp pháp.

Tại dự án “Vườn thế kỷ” thuộc dự án nhà ở xã hội ở thành phố công nghiệp Tân Châu, tỉnh Sơn Tây, gần như toàn bộ 1.578 căn hộ trong dự án đã được các quan chức “xí chỗ”, một số người trong đó đã bán lại với khoản chênh lệch đáng kể. Tại thành phố Nhật Triều, tỉnh Sơn Đông, hơn một nửa căn hộ thuộc dự án căn hộ giá rẻ gồm 3.500 căn hộ chung cư, đã rơi vào tay những quan chức địa phương, với hợp đồng mua bán thấp hơn 30%-50% so với giá thị trường.

80% căn hộ thuộc dự án nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp có tên gọi “Cảnh đẹp thành phố”, tại thành phố Mỹ Tiên, tỉnh Thiểm Tây, đã chui vào túi các quan chức địa phương.

Đây chỉ là vài trường hợp trong hàng loạt vụ việc được phát giác, sau khi chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch xây nhà chung cư giá rẻ. 

Các vụ bê bối này trở thành những tia lửa mới nhất châm ngòi cho sự bất mãn phát sinh từ cơn sốt thị trường nhà đất. Dù cơn sốt nhà đất đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu người trong thập kỷ qua, nhưng cũng tạo ra một lớp người nghèo bị đẩy ra ngoài cuộc vì không đủ tiền để mua một căn nhà.

Trong bối cảnh giá nhà ngày càng tăng ở các khu vực đô thị, giấc mơ mua một căn hộ ngày càng trở nên xa vời đối với nhiều người. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tại thủ đô Trung Quốc là 44.715 NDT (6.540 USD), trong khi các căn hộ được bán với giá trung bình 20.000 NDT/m² (2.200 USD/m²). Nếu hai vợ chồng trong một gia đình đều có việc làm ổn định, họ sẽ phải dốc toàn bộ lương trong khoảng 17 năm để mua một căn hộ 80m², có giá gần 234.000 USD.

Nhu cầu về nhà ở ngày càng trở nên bức thiết tại Trung Quốc vì số hộ gia đình có thu nhập thấp ở Trung Quốc chiếm tới 20% tổng dân số. Vì thế, năm 2008, dự án nhà xã hội đã ra đời, trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, trong đó có kế hoạch xây dựng 5,8 triệu căn hộ cho người lao động có thu nhập thấp trong năm 2010. Mục đích của dự án này nhằm xoa dịu căng thẳng xã hội bắt nguồn từ tình trạng giá nhà đất tăng vọt, đồng thời ngăn chặn nạn đầu cơ gây khủng hoảng hoạt động xây dựng bất động sản, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. 

Thế nhưng, ngay từ khi mới bắt đầu, những “con sâu làm rầu nồi canh” đã lợi dụng nhiều kẽ hở của dự án để tư lợi. Ông Hồ Hưng Đô, Giáo sư Kinh tế tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nói: “Đây là một dạng tham nhũng vô hình. Chính sách nhà ở xã hội đã trở thành một kênh để quan chức vơ vét tài sản công”.

Trước thực trạng tham nhũng lan tràn tại các dự án nhà ở xã hội, các chuyên gia đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc nên thắt chặt việc kiểm soát các dự án, để nó tới tận tay những người thật sự cần, chứ không phải đến túi những tham quan. An cư, lạc nghiệp để dân giàu, nước mạnh là mục tiêu mà tất cả các quốc gia muốn hướng đến, nhưng quả thật việc thực hiện nó cần cả sự công tâm và sự trong sạch của những người có trọng trách.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục