Thận trọng khi nói trước công chúng

Chương trình phát thanh “Sài Gòn buổi sáng” trên sóng FM ngày 18-1-2011 của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM có tiết mục phỏng vấn “công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2010”. Người được phỏng vấn là anh Lê Quốc Dũng, Trưởng bộ phận Quản lý chất lượng, Công ty cổ phần In nhãn hàng An Lạc thuộc Tổng Công ty Liksin.

Chuyện bình thường không có gì đáng nói, trừ cách xưng hô thiếu chuẩn mực của cô phát thanh viên phụ trách chuyên mục. Chẳng hiểu cô lớn hơn đối tác bao nhiêu tuổi, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện, cô toàn gọi người được phỏng vấn bằng tên riêng trống không: “Dũng này…, Dũng nọ…” (!). Riêng đối tác của cô thì rất chừng mực: gọi “chị”, xưng “tôi” rất đàng hoàng!

Trong một số cuộc thi âm nhạc cũng vậy, nhiều thành viên ban giám khảo có lẽ nghĩ rằng mình là “bề trên”, lại lớn tuổi hơn thí sinh, nên cũng dễ dãi cho phép mình tự xưng “anh (chị)”, gọi các thí sinh bằng “em”! Đấy cũng là một cách xưng hô tùy tiện, không chuẩn, bởi quý vị đang nói trước đông đảo công chúng (được truyền hình trực tiếp cho cả triệu người xem), chứ không phải đang nói chuyện riêng với thí sinh ở ngoài đời!

Nói chuyện trước công chúng là cả một nghệ thuật, nhưng hình như các M.C (kể cả lãnh đạo, quản lý các đài phát thanh, truyền hình) chưa tiếp cận, lĩnh hội đầy đủ “nghệ thuật ăn nói” này, nên đôi lúc hành xử khá dễ dãi, tùy tiện, đến mức tỏ ra thiếu tôn trọng đối với người được phỏng vấn cũng như đối với khán, thính giả. Cách xưng hô chuẩn mực nhất trong các trường hợp này phải là “tôi” (hoặc “chúng tôi”), gọi đối tác là “anh, chị, ông, bà, cô…” (hoặc “bạn”). Chỉ trừ trường hợp đối với thiếu nhi, các M.C có thể gọi “em” (hoặc “cháu”) cho thân mật. Còn đối với người đã trưởng thành, trước công chúng, không nên gọi họ là “em”, thể hiện thái độ “kẻ cả”, “bề trên”, hoàn toàn không hay chút nào!

Tóm lại, thận trọng khi nói trước công chúng là điều cần thiết, không bao giờ thừa!

PHAN TRỌNG HIỀN

Tin cùng chuyên mục