Thắt, mở linh hoạt

“Mặc dù tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế Việt Nam chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ trong năm 2022”, đó là nhận định được các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo “Điểm lại”, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8, công bố ngày 8-8. 

Theo báo cáo, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi, theo kịch bản cơ sở.

Do tác động xuất phát điểm thấp, GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 - thời điểm mà tốc độ tăng trưởng quay về như trước đại dịch, ở mức 6,5-7%. Trong khi đó, lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022, với xu hướng tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022.

“Cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng 2 tiếp tục diễn ra và với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%, dự kiến CPI tăng đến 4% trong năm 2023 trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024”, báo cáo nêu rõ. 

Vẫn theo các chuyên gia WB, với những biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ và du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo, chế biến dự báo chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi.

Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại, tương tự như xu hướng tăng trưởng giai đoạn 2016-2019. Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023.

Về đánh giá “Chính phủ tiếp tục có dư địa tài khóa dồi dào và nợ công dự kiến được duy trì bền vững”, theo các chuyên gia WB, ở góc độ nào đó, dư địa tài khóa có được hiện nay một phần do giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với dự toán trong mấy năm qua và thấp hơn rõ rệt so với trần nợ công 60% GDP được đặt ra trong Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030 ban hành tháng 4.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rất rõ rằng, cho dù góp phần tạo ra dư địa tài khóa, thách thức thực sự của việc các chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch nằm ở những yếu kém trong triển khai. Dư địa tài khóa tuy còn nhưng dòng đầu tư vẫn ách tắc thì hiệu quả của chính sách tài khóa tất yếu không như mong đợi.

Cho đến nay, vì lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng nên chính sách tiền tệ nới lỏng được coi là phù hợp. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng trở lại, có thể vượt chỉ tiêu 4%, thì Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm lại lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền. 

Bên cạnh đó, để “không ai bị bỏ lại phía sau” như Đảng và Nhà nước khẳng định, chúng ta cần mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, giúp các hộ nghèo và dễ tổn thương chống đỡ lại tác động của các cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng. Và, để đảm bảo tính “có mục tiêu” thì chính sách tài khóa cần “mở” linh hoạt.

Đó là rà soát lại phương án cắt giảm thuế bảo vệ môi trường và dự kiến cắt giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu xăng dầu - vốn được coi là không rõ mục tiêu và khả năng hạn chế tiêu dùng cũng ít hiệu quả. Còn về lâu về dài, cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu toàn diện nhằm giúp nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn. 

Tin cùng chuyên mục