Từ ngày 10-10-2013, Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22-8-2013 “quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Theo Nghị định 95, NLĐ và người sử dụng lao động có thể bị xử lý nếu đình công hoặc giải quyết đình công không đúng quy định pháp luật. Nhiều bạn đọc đề nghị thông tin rõ: Theo quy định pháp luật thì thế nào là đình công bất hợp pháp?
Đình công được hiểu là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. NLĐ muốn thực hiện đình công phải tuân thủ những điều kiện nhất định. Theo khoản 2 Điều 209 Bộ luật Lao động 2012, việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (nghĩa là tranh chấp yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động - theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động) và sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được; hoặc sau thời hạn 3 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành. Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên (nếu chưa có công đoàn cơ sở) tổ chức và lãnh đạo. Đình công phải diễn ra theo trình tự 3 bước: lấy ý kiến tập thể lao động; ra quyết định đình công; tiến hành đình công. Khi tiến hành lấy ý kiến, nếu có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý, Ban chấp hành công đoàn sẽ ra quyết định đình công và gửi quyết định cho người sử dụng lao động ít nhất 5 ngày trước ngày bắt đầu đình công. Nếu đến thời điểm bắt đầu đình công, người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì cuộc đình công được tiến hành.
Một cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp nếu vi phạm các quy định trên. Bên cạnh đó, trước, trong và sau khi đình công, NLĐ bị cấm thực hiện một số hành vi nhất định quy định tại Điều 219 Bộ luật Lao động. Theo đó, Điều 23 Nghị định 95 quy định mức phạt cảnh cáo đối với NLĐ có hành vi tham gia đình công sau khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ngoài ra NLĐ có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng khi có một trong các hành vi: cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc NLĐ đình công; cản trở NLĐ không tham gia đình công đi làm việc; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong khi đình công hoặc lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác. Vì vậy, NLĐ phải nắm rõ các quy định của pháp luật để tránh bị xử phạt khi tham gia đình công.
Không riêng gì NLĐ, người sử dụng lao động nếu giải quyết đình công không đúng pháp luật cũng bị xử phạt. Theo khoản 3 Điều 23 Nghị định 95, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với các hành vi: chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ, người lãnh đạo đình công, hoặc điều động NLĐ, người lãnh đạo đình công sang làm việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công; trù dập, trả thù đối với NLĐ tham gia đình công, người lãnh đạo đình công; đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong các trường hợp bị cấm. Người sử dụng lao động còn bị buộc phải trả lương cho NLĐ trong những ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc.
Như vậy, toàn bộ quá trình đình công từ khâu chuẩn bị đến khâu giải quyết đều phải đảm bảo đúng pháp luật. NLĐ cần nắm rõ các điều kiện, trình tự, thủ tục đình công và tránh bị lôi kéo, kích động để gây ra những hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại cho bản thân, doanh nghiệp và cho xã hội. Khi người sử dụng lao động giải quyết không thỏa đáng hoặc cố tình trù dập, trả thù những người tổ chức, tham gia đình công thì NLĐ có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)