Thêm một dải phân cách giao thông nội ô bất hợp lý

Thêm một dải phân cách giao thông nội ô bất hợp lý

Khoảng 3 tuần nay, trên tuyến đường Đào Duy Anh, đoạn nằm giữa công viên Gia Định TPHCM - được lắp đặt một dải phân cách cứng (dạng rào bằng sắt ống, cao khoảng 55 - 60cm) nằm ngay giữa tim đường.

Thoạt nhìn, có vẻ như đây là một hạng mục công trình thể hiện sự cải thiện về tiện ích giao thông và thẩm mỹ cho đoạn đường có cảnh quan thoáng đãng này. Song không hẳn thế. Kể từ khi đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ Ngã 5 Nguyễn Thái Sơn đến ngã tư Phú Nhuận) trở thành đường 1 chiều, thì con đường Đào Duy Anh trở thành tuyến đường độc đạo dành cho những người đi vào trung tâm TPHCM, hướng từ phía Bắc và Tây Bắc thông qua ngả đường Nguyễn Oanh - Quang Trung. Vì vậy, vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện lưu thông mỗi chiều có sự chênh lệch rất lớn.

Buổi sáng lượng người đi vào đông hơn rất nhiều so với lượng người đi ra. Do vậy, việc dùng dải phân cách cứng ở giữa tim đường sẽ khiến cho việc lưu thông vào giờ cao điểm bị giới hạn. Nó làm cho việc điều tiết lưu lượng phương tiện lưu thông qua phần đường ở chiều ngược lại không thể thực hiện được.

Trong khi phần đường bên kia gần như trống trải với lưu lượng chưa bằng phân nửa (ảnh). Sẽ đơn giản biết bao nếu như dùng dải phân cách mềm, loại vạch sơn nét đứt, cho phép người tham gia lưu thông có thể tự điều tiết. Hoặc có thể dùng vạch sơn nét liền cho phép các phương tiện lưu thông qua phần đường trái chiều, khi có sự điều tiết của cảnh sát giao thông. Như thế những khoảng trống sẽ được tận dụng tối đa.

Thứ hai, xét về tổng thể kiến trúc công trình Công viên Gia Định sau khi được tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng vớùi mật độ đông. Đoạn đường Đào Duy Anh nằm giữa công viên phải được xem như là một hạng mục tham gia giải quyết vấn đề ấy, nếu như để thông thoáng, việc điều tiết tự nhiên sẽ diễn ra rất đơn giản, dòng người đi ngang sẽ từ từ hòa vào dòng người lưu thông chính trên suốt dọc chiều dài công viên.

Đằng này, với việc lắp đặt dải phân cách cứng nêu trên, đã gây ra hiện tượng cưỡng bức việc thoát người qua lại giữa 2 phần công viên, buộc lượng người đi ngang phải tập trung lưu thông tại một vài điểm mà dải phân cách chừa khoảng trống. Điều này vô tình tạo nên những giao lộ giả, làm cản trở dòng phương tiện lưu thông chính trên đường, gây ùn tắc không đáng có. Nếu nhìn con số 1 phút/4 phút (gấp 4 lần) là khoảng thời gian lưu thông bằng xe ô tô trên đoạn đường không đầy 1 km này, trước và sau khi lắp đặt dải phân cách, chúng ta sẽ thấy ngay hậu quả về mặt kinh tế cho mỗi người và cả xã hội lớn đến mức nào (hao phí nhiên liệu tăng do tốc độ lưu thông giảm, thời gian lưu thông trên đường tăng, nồng độ ô nhiễm khu vực công viên tăng, xác suất xảy ra tai nạn sẽ tăng cao tại các giao lộ giả)… Chưa kể việc lắp đặït dải phân cách này xét về mặt kiến trúc, làm mất đi vẻ thông thoáng vốn rất cần của một tuyến đường có cảnh quan công viên hiếm có của TP.

Hãy sớm giải tỏa dải phân cách này và xem xét kỹ trước khi quyết định đối với việc lắp đặt những dải phân cách cứng tương tự trên mọi tuyến đường nội ô TP. Theo thiển ý của tôi, trong điều kiện đường sá giao thông của TP còn thiếu thốn chật hẹp và cả TP đang còn là một đại công trường ngổn ngang những lô cốt đào đường như hiện nay, thì giải pháp tốt nhất là: áp dụng một cơ chế quản lý giao thông mềm, nhằm tận dụng tối đa diện tích đường đã có.

Muốn vậy, mục tiêu quan trọng nhất của công tác quản lý giao thông nội ô chính là: điều tiết lưu thông hợp lý, sao cho dòng phương tiện lưu thông đạt lưu tốc cao nhất, một cách có trật tự. Vì vậy trong giai đoạn này (ít nhất là cho đến khi TP hoàn thành các dự án cải tạo hệ thống cấp thoát nước) hãy dừng việc thi công lắp đặt những vật trang trí, những vật không cần thiết gây cản trở lưu thông trên đường, dành kinh phí tập trung cho việc thực hiện các giải pháp quản lý điều tiết giao thông như đã nêu ở trên, trong đó, quan trọng nhất là việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng cần thiết, để các lực lượng quản lý giao thông phát huy hết vai trò của họ.

Rất mong HĐND TPHCM xem bài viết này như một ý kiến đề xuất với chính quyền TP trong chương trình “Nói và Làm”, để chia sẻ với những khó khăn của chính quyền TP trong công tác quản lý giao thông, cũng như góp phần làm vơi đi những nỗi nhọc nhằn mà hàng ngày người dân đang phải oằn mình gánh chịu.

Kỹ sư HOÀNG MINH

Tin cùng chuyên mục