Báo SGGP ngày 21-7 đăng bài Khóc với kỳ nghỉ ước mơ phản ánh trường hợp bạn đọc H.C.T. (ở quận 4, TPHCM) đã vỡ mộng sau khi đặt cọc mua gói dịch vụ “Kỳ nghỉ ước mơ” của Công ty cổ phần Dream Holidays (phường 22, quận Bình Thạnh). Bà Nguyễn Minh Nguyệt, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng của công ty này, đã gửi công văn phản hồi đến Báo SGGP, cho rằng “bài báo sai sự thật”.
Công văn của Dream Holidays cho rằng: “Ngày 3-7, gia đình ông H.C.T. được mời đến tham dự sự kiện do công ty tổ chức, sau đó đồng ý mua gói dịch vụ nghỉ dưỡng sau khi đã đọc kỹ các loại giấy tờ, phương thức thanh toán, nội dung hợp đồng và đã đóng tiền đặt cọc là 23 triệu đồng. Ngày hôm sau, ông đến thanh toán tiếp 30% giá trị hợp đồng (103 triệu đồng) và muốn đặt chỗ đi Mỹ cho 6 người, nhưng do gia đình chưa có visa nên công ty báo phải đặt trước 2 tháng. Hôm sau ông đổi ý, đăng ký đi Dubai, nhưng do phí visa 150 USD/người nên lại chuyển sang đi Maldives. Công ty nói điểm du lịch này chỉ dành cho những cặp tình nhân, nên gia đình chuyển sang đi Đà Nẵng, đặt phòng ở khách sạn Intercontinental, nhưng khách sạn này không nằm trong hệ thống trao đổi của công ty. Ông T. không đồng ý, gửi thư đến công ty. Nhân viên đã gọi điện cho ông, hẹn gặp để trao đổi nhưng lại không nhận được sự hợp tác. Công ty cũng gửi email cho ông vào ngày 14-7 để giải thích và không nhận được sự phản hồi từ ông”.
Không nhắc lại những điều đã nói trong bài báo, xin nói thêm những thông tin mới. Nguyên nhân ông H.C.T. xin thanh lý, đòi lại tiền là do giữa những lời tư vấn với nội dung hợp đồng (được chuyển đến sau khi nộp tiền) là hoàn toàn trái ngược nhau. Khi tư vấn, nói phí chuyển đổi chỉ dao động từ 200USD đến 500USD, nhưng đăng ký đi Dubai, gia đình ông phải nộp 950USD. Tư vấn nói có thể đặt phòng vào thời gian cao điểm như lễ tết, có liên kết với những tập đoàn lớn như Intercontinental, nhưng khi đăng ký thì lại từ chối. Ngày 9-7, ông H.C.T. gửi thư phát chuyển nhanh đến ông Đỗ Khoa, Phó Tổng giám đốc công ty, phản ánh sự việc và đề nghị thanh lý hợp đồng. Ngày 10-7, ông lại gửi thư riêng, tha thiết được gặp. Rồi ngày 11-7, ông nhắn tin qua điện thoại, ngày 12-7 gọi đến công ty, ngày 14 và 15-7 vừa điện thoại, vừa email, nhưng cũng bặt vô âm tín. Đến ngày 21-7, sau khi báo đăng, vợ chồng ông H.C.T. lại đến công ty, nhưng không ai chịu tiếp xúc. Thậm chí, vợ chồng ông H.C.T. còn bị khóa trái cửa phòng, không cho ra. Ông phải gọi điện thoại cầu cứu Công an phường 22. Khi công an cử người xuống, bảo vệ công ty mới chịu mở cửa cho vợ chồng ông ra khỏi phòng.
Thấy vợ chồng ông phản ứng gay gắt và trước sức ép của công luận, ngày 23-7, dù là ngày chủ nhật, ông Đỗ Khoa đã mời vợ chồng ông H.C.T. đến, bảo viết giấy cam kết đồng ý nhận lại 80% số tiền đã nộp với điều kiện phải “liên lạc gỡ bài đăng trên báo SGGP online”.
Tuần qua, lại có thêm nhiều nạn nhân của Dream Holidays đến Báo SGGP kêu cứu. Bi kịch không kém là trường hợp ông N.T.B. (ở quận 7, TPHCM), mua gói dịch vụ nghỉ dưỡng giá 15.000USD. Ông N.T.B. kể: “Trong ngày đầu đến dự sự kiện, nghe tư vấn, tôi đồng ý mua gói dịch vụ, nhưng không mang theo tiền mặt, nhân viên công ty đã theo tôi về đến nhà để nhận tiền, dù đã hơn 22 giờ. Nhân viên tư vấn cho biết công ty đã làm việc với Sacombank cho khách hàng vay để đóng tiền. Nghe vậy tôi mới mua. Đến khi ra ngân hàng hỏi thì người ta lắc đầu, nói không biết gì hết. Hỏi công ty, lúc này họ mới ỡm ờ, nói sẽ giãn tiến độ đóng tiền cho khách”. Chưa hết, ông N.T.B. đăng ký cho 6 người trong gia đình đi Nha Trang, công ty đòi phí chuyển đổi là 575USD, trong khi ông tự liên lạc thuê khách sạn thì giá lại rẻ hơn. Niềm háo hức ban đầu không còn, nhớ lời tư vấn trước đây nói có thể chuyển hợp đồng cho người khác với giá 25.000USD, ông điện thoại thì nhận được cái lắc đầu. Nhiều lần ông đến công ty xin gặp để đòi lại tiền đều bất thành.
Chị N.T.A.N. (ở quận 7) cũng mua gói dịch vụ 15.000USD, thanh toán trước 30%, dù đã hơn 10 giờ đêm sau khi tư vấn, nhân viên của Dream Holidays vẫn theo chị về đến tận nhà để nhận tiền. Quả đắng đầu tiên cho chị là vé khuyến mãi đi Phan Thiết ở khách sạn 5 sao, nhưng ra đến nơi, không ai tiếp, điện thoại ngược xuôi mới có phòng, rồi phải tự khuân vác hành lý, phòng thì hôi, nước không thoát. Tháng sau, chị đề nghị cung cấp hệ thống khách sạn ở Hàn Quốc hoặc Nhật để gia đình đăng ký đi nghỉ. Không ai trả lời, chẳng email nào gửi đến. Gọi điện thoại lên công ty, không ai trả lời. Quyết định cuối cùng của chị là đòi lại tiền. Lên xuống nhiều lần, phản ứng gay gắt, thư gửi đến cho chị gần đây nhất là công ty từ chối trả lại tiền do chị “gây rối”.
Và thêm một sự việc mới xảy ra ngày 24-9, nhiều khách hàng là nạn nhân của Dream Holidays đã căng băng rôn, ngồi nhiều giờ trước công ty, yêu cầu trả lại tiền. Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền lợi người dân.