Thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã: Phải hết sức thận trọng

Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị

Đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã hiện đang được Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện để trình Chính phủ thảo luận trước khi xin ý kiến Bộ Chính trị. Theo chương trình, kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới cũng sẽ xem xét đề án này. Ngày 26-9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã góp ý kiến cho đề án.

Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, theo chủ trương của Chính phủ thể hiện trong đề án, trước mắt thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường; HĐND xã vẫn giữ lại (lý do là ở nông thôn địa bàn rộng nên xã vẫn cần phải có HĐND). Việc thí điểm nhân dân bầu chủ tịch xã chưa có tiền lệ nhưng kinh nghiệm thì đã có qua việc nhân dân trực tiếp bầu trưởng thôn. Lần thí điểm này sẽ chọn ra 385 xã (trên 4,2% tổng xã trong cả nước, trong đó TPHCM có 5 xã) để thí điểm nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Thời gian thực hiện đề án này là từ 2009-2011 (nhiệm kỳ của HĐND huyện, quận, phường nơi thí điểm không kéo quá 2011).

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch xã là cần thiết, tạo điều kiện cho nhân dân trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu người đại diện cho mình điều hành công việc của cơ quan hành chính xã. Điều này cũng sẽ đề cao uy tín và trách nhiệm người đứng đầu chính quyền xã. Đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. “Việc thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch xã là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị, vì vậy cần được tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp”, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định.

Theo dự thảo đề án, khi bỏ HĐND quận, huyện, phường, nhiệm vụ của các cơ quan này sẽ cơ bản được chuyển cho HĐND tỉnh và MTTQ. Vấn đề được chú ý nhất chính là nội dung nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Dự thảo đã đặt ra các tiêu chí của người ứng cử chủ tịch xã cũng như các nguồn giới thiệu ứng cử viên (UBND xã, HĐND xã; cử tri ở thôn, ấp..; tự ứng cử). Sau đó MTTQ sẽ chủ trì tiến hành các bước hiệp thương để chọn ra 2 ứng cử viên có phiếu tín nhiệm cao nhất, đưa ra nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Một nội dung khác mà đề án đặt ra, đó là quá trình bãi nhiệm chủ tịch xã.

Theo đó, có 2 trường hợp: nếu chủ tịch xã vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng, đã có quyết định hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì việc bãi nhiệm thông qua HĐND xã họp và bỏ phiếu. Nếu chủ tịch xã không vi phạm kỷ luật nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được cử tri tín nhiệm thì việc bãi nhiệm sẽ theo đề nghị của MTTQ xã, hoặc 1/3 cử tri trong xã có ý kiến bằng văn bản gửi MTTQ xã đề nghị bãi nhiệm. Nếu 1/2 cử tri tán thành bãi nhiệm thì chủ tịch huyện sẽ ra quyết định bãi nhiệm chủ tịch xã.

Nên thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch phường

Về đề án quan trọng này, trọn ngày hôm qua, 26-9, đại diện Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã góp ý vào dự thảo. Hầu hết ý kiến các đại biểu đều cho biết, nhân dân rất đồng tình với chủ trương này và hoàn toàn ủng hộ. Theo ông Cư Hòa Vần, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, việc thí điểm là đúng, nhưng phải hết sức quan tâm đến việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đó là cốt lõi của vấn đề này, nếu không sự thay đổi chỉ là hình thức. Đây là vấn đề rất hệ trọng, vì vậy đường đi nước bước phải hết sức thận trọng.

Ông Nguyễn Duy Lưu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho rằng, không nên quy định ứng cử viên chủ tịch xã phải là người có hộ khẩu ở xã đó. Mặt khác, nếu ứng cử viên không phải là đảng viên thì cần tăng cường tính giám sát, phản biện của MTTQ đối với hoạt động của chủ tịch xã (đề án không quy định ứng cử viên chủ tịch xã là đảng viên).

Nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự lo ngại về việc thí điểm bầu chủ tịch xã sẽ gặp khó khăn. Chủ tịch MTTQ Hà Nội Phạm Xuân Hằng bày tỏ, nếu nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, sau đó chủ tịch xã vẫn làm việc với ban lãnh đạo cũ của xã thì liệu có hiệu quả không? Hay cần phải trao cho chủ tịch xã quyền, cơ chế làm việc trọn vẹn hơn để phát huy hiệu quả?

Ở một khía cạnh khác, GS Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, nên thí điểm nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch phường luôn. Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng dân chủ pháp luật của MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, có thể bầu chủ tịch phường nếu để ứng cử viên tranh cử, qua đó nhân dân sẽ có thông tin và bầu. Tuy nhiên, về ý kiến này, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, do hành chính của phường lớn hơn xã nhiều, khó để người dân trực tiếp bầu, vì vậy Ban soạn thảo vẫn quyết định để HĐND phường bầu chủ tịch phường. Để triển khai đề án này, Quốc hội sau khi thông qua sẽ ra nghị quyết thực hiện thí điểm; Ban chỉ đạo TƯ về thực hiện đề án này cũng sẽ được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục