Thị trường khai khoáng gặp khó

Năm 2014 đã chứng kiến nhiều biến động bất ngờ ở thị trường khai thác khoáng sản toàn cầu khi giá dầu xuống mức kỷ lục, giá quặng sắt, giá than đá lẫn giá vàng đều giảm. Liệu đến năm 2015, thị trường này có khởi sắc?

Theo Diplomat, câu trả lời gần như là không khi mức cung đã vượt qua cầu. Mới đây, Bộ Công nghiệp Australia đã cắt giảm dự báo về giá quặng sắt xuống mức 1/3, từ 94 USD/ tấn vào tháng 9 năm nay xuống còn 63 USD/ tấn. Mức dự báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia công bố viễn cảnh không mấy tươi sáng của thị trường khai thác quặng sắt vào năm sau do mức dư cung quặng sắt trên toàn cầu sẽ tăng lên gấp đôi, đạt 110 triệu tấn trong năm 2015. Từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt đã giảm 44%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo nhận định của tập đoàn tài chính ANZ, nguồn cung quặng sắt giá rẻ trên toàn cầu tăng lên có thể khiến các mỏ khai thác quặng sắt tại Trung Quốc phải đóng cửa, đồng thời khiến giá sàn của quặng sắt giảm thấp hơn nữa. Còn theo Bộ Công nghiệp Australia, giá quặng sắt giảm, nhiều dự án khai thác bị ngưng trệ hoặc hủy bỏ sẽ khiến Australia thiệt hại khoảng 142 tỷ USD trong năm 2015.

Ở thị trường than nhiệt sử dụng trong các dự án năng lượng, mức giá sẽ giảm dưới 70 USD/tấn so với con số 83 USD/tấn ở thời điểm đầu năm 2014, thấp hơn nhiều so với mức giá 180 USD/tấn vào năm 2008. Một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo, giá than có thể còn giảm thấp xuống hơn nữa nhưng trong dài hạn, nhu cầu sử dụng than của khu vực châu Á có thể phục hồi tăng trở lại trong năm 2019. Điều này đã đem lại tín hiệu lạc quan cho ngành than trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Than vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các nhà máy sản xuất năng lượng và vai trò này vẫn được tiếp tục duy trì trong thời gian tới, đặc biệt là tại khu vực châu Á, bất chấp sự phản đối của tổ chức môi trường.

Thị trường dầu mỏ có mức giá giảm sâu như hiện tại khiến nhiều nền kinh tế châu Á hưởng lợi nhưng làm các nước xuất khẩu dầu đứng ngồi không yên vì nguồn thu từ dầu đã giảm xuống một nửa với mức giá 66 USD/thùng. Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) kỳ vọng lượng dầu tiêu thụ sẽ tăng thêm 900.000 thùng/ngày trong năm 2015, cao hơn mức 700.000 thùng/ngày của năm 2014 sẽ đẩy giá dầu tăng nhưng điều này còn phụ thuộc vào sức mua ở thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, giá dầu thế giới giảm là một cơ hội vàng cho các nhà nhập khẩu dầu lớn như Indonesia và Ấn Độ tiến hành cải cách các chương trình trợ cấp nhiên liệu tốn kém, trong khi các nước xuất khẩu dầu có thể nắm bắt cơ hội để phát triển các ngành sản xuất khác của mình khi giá hàng hóa thấp có xu hướng làm cho tỷ giá hối đoái thực của họ cạnh tranh hơn.

Ở thị trường vàng, đa số các dự báo cho rằng, giá vàng có thể giảm xuống 1.000 USD/oz do chỉ số USD tiếp tục tăng mạnh. Thị trường vàng chỉ được cải thiện nếu nhu cầu vàng vật chất tăng lên. Thực tế trong năm 2014, nhu cầu vàng vật chất tại châu Á khá ảm đạm, đặc biệt là tại Ấn Độ do các biện pháp hạn chế nhập khẩu của chính phủ nước này. Trong khi đó, nhu cầu vàng của Trung Quốc năm 2014 cũng đã giảm một phần do năm 2013 nước này đã mua vào với số lượng vàng quá lớn.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục