Thích nghi với biến động thị trường

Sau khi xăng tăng thêm 590 đồng/lít vào cuối tháng 2, kể từ hôm qua 1-3-2010, giá điện, nước cũng chính thức tăng giá. Thị trường bắt đầu hình thành một mặt bằng giá mới, trong đó giá hầu hết các mặt hàng tiêu dùng trong nước đều đồng loạt tăng thêm khoảng 10%.

Sau khi xăng tăng thêm 590 đồng/lít vào cuối tháng 2, kể từ hôm qua 1-3-2010, giá điện, nước cũng chính thức tăng giá. Thị trường bắt đầu hình thành một mặt bằng giá mới, trong đó giá hầu hết các mặt hàng tiêu dùng trong nước đều đồng loạt tăng thêm khoảng 10%. Từ miếng thịt, bó rau, tô phở đến quần áo, mỹ phẩm, chi phí cho các dịch vụ vận chuyển, ăn uống. Một loạt “hiệu ứng” dây chuyền đã và đang diễn ra, khiến cho điệp khúc “tăng giá” càng lên.

Trước thực trạng đó, người tiêu dùng Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận và học cách thích nghi với “lũ”.

Thay vì kêu ca, tôi nghĩ thời điểm khó khăn này cũng chính là lúc chúng ta tập khả năng “ứng biến” với biến động giá cả bằng thói quen tiêu xài thông minh, chia sẻ phần nào gánh nặng kinh tế với Chính phủ. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, do đó, mọi sự đột biến về giá cả, nếu đúng với quy luật thị trường đều cần được tôn trọng và phát huy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những “tồn đọng” của một thời kỳ dài bao cấp vẫn khiến người tiêu dùng Việt Nam hiện nay thiếu những kỹ năng và bản lĩnh cần có để thích nghi với đời sống kinh tế khi biến động. Ở trường học, học sinh không hề được dạy các kiến thức về tiêu dùng. Vì vậy khi lớn lên, các em không biết cách trở thành những người tiêu dùng thông minh đúng nghĩa. Cho nên, những biến động này sẽ giúp hình thành một lớp người tiêu dùng mới có hiểu biết và sống trách nhiệm hơn.

Bên cạnh đó, chính sự khắc nghiệt của thị trường cũng góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tận dụng thành quả khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng sự mong mỏi của người tiêu dùng. Qua đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” có cơ hội được đẩy mạnh vai trò và hiệu quả, hàng nội giành lại thế “thượng phong” trên sân nhà.

Nói tóm lại, giá cả tăng cao trong thời điểm này một mặt tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng nhưng mặt khác cũng góp phần tạo ra thói quen tiết kiệm chi tiêu, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động trong nước. Cũng trong thời điểm “nhạy cảm” này, năng lực quản lý của các cơ quan chức năng được thử thách và phát huy, trong đó việc bình ổn các mặt hàng chiến lược là hết sức quan trọng.

Thanh Thu (Q.Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục