Thích ứng chính sách

Các nhà quan sát kinh tế đang đánh giá kỹ lưỡng những tác động từ việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu theo Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS). BEPS có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Thực hiện chương trình này, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu ở quốc gia đang đầu tư, doanh nghiệp được hưởng mức thuế thấp hơn mức 15% thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính để đủ mức thuế 15%.

Đây không phải là một cú ngoặt chính sách đột ngột. Năm 2021, EU đã lên kế hoạch thực thi chính sách này vào năm 2023 nhưng sau đó trì hoãn do có thành viên chưa đồng thuận. Song, đến nay giờ G đã được xác định: chính sách trên sẽ được áp dụng kể từ ngày 1-1-2024, bất kể vẫn còn thành viên phản đối.

Bên cạnh những hiệu quả tích cực mang lại như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh chuyển giá, trốn thuế…, chính sách này chắc chắn có tác động rất lớn đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu. Thu hút FDI của Việt Nam và các nền kinh tế khác tham gia BEPS sẽ bị ảnh hưởng.

Mong muốn mời gọi những doanh nghiệp đa quốc gia với công nghệ cao, công nghệ lõi có thể khó thực hiện hơn nhiều. Xa hơn nữa, trong bối cảnh động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sự giảm sút về số lượng và cả chất lượng dòng vốn FDI có thể tác động không nhỏ đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Mặc dù kết quả thu hút FDI 2 tháng đầu năm (bao gồm kỳ nghỉ tết kéo dài) chưa đủ để nói về xu hướng của cả năm 2023 và thời gian tiếp theo nhưng việc cả tổng vốn đầu tư nước ngoài lẫn vốn thực hiện đều giảm so với cùng kỳ năm 2022 do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn là điều đáng lưu ý.

Tuy vẫn còn khoảng 10 tháng nữa mới đến thời điểm áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu nhưng đã không còn sớm để Việt Nam cần có những động thái chuẩn bị ứng phó với sự điều chỉnh chính sách này. Nhiều nền kinh tế có định hướng thu hút đầu tư nước ngoài tương tự Việt Nam đã ráo riết chuẩn bị.

Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đạo luật về điều chỉnh thuế quốc tế với nội dung chính là bổ sung điều khoản về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Nhật Bản cho biết sẽ xây dựng luật trong năm 2023. Tương tự, Singapore, Hồng Công cũng đang nghiên cứu ban hành thuế suất tối thiểu 15%. Một số quốc gia trong khu vực ban hành nhiều giải pháp ưu đãi thu hút FDI ngoài thuế như giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật, đơn giản hóa quy trình thủ tục…

Liệu Việt Nam có tiếp tục đón được “đại bàng” hay không khi mà quy mô doanh nghiệp càng lớn thì thuế suất càng không thể ưu đãi đặc biệt nữa? Câu trả lời phụ thuộc một phần đáng kể vào những giải pháp ứng phó của Việt Nam để thích ứng với chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Trước hết, đó là lượng hóa chính xác tác động; xác định lộ trình sửa đổi các văn bản liên quan để luật hóa cam kết; thực hiện rà soát hệ thống khuyến khích, ưu đãi đầu tư để điều chỉnh phù hợp, có chương trình hỗ trợ các nhà đầu tư đang được hưởng ưu đãi thuế dưới mức 15%...

Tin cùng chuyên mục