Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên số hóa, cần thúc đẩy sự phát triển công nghệ tài chính, sự hợp tác giữa khu vực tài chính và các nhà cung ứng giải pháp công nghệ nhằm hình thành nền tảng kinh tế số tại nước ta. Riêng lĩnh vực thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ ban hành mới; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai chiến lược chuyển đổi số; ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng.
Với khả năng kết nối sâu rộng, phân tích và khai thác khối lượng dữ liệu khổng lồ để giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động về kinh tế - xã hội, môi trường số đã mang đến các lợi ích, ưu thế vượt trội hẳn so với lối kinh doanh theo nghiệp vụ truyền thống. Ngày nay, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải tận dụng và khai thác các lợi thế tốt nhất của môi trường số để cải tiến sản phẩm, dịch vụ phù hợp; phát triển sản phẩm mới để tăng sức cạnh tranh; tối ưu hóa hoạt động công ty và phát triển, thâm nhập thị trường toàn cầu một cách hiệu quả không bị giới hạn. Đây là việc phải làm và không thể khác được để thích ứng với thế giới thay đổi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn trong “vòng kim cô” các quy định hiện có nên rất khó để giới thiệu, ứng dụng các mô hình, phương pháp kinh doanh mới có tính đột phá; cụ thể như “cuộc chiến” giữa xe taxi truyền thống và công nghệ diễn ra dai dẳng. Để hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia cần giải quyết một loạt các vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý đã có; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện các quy định và chính sách về sở hữu trí tuệ, công cụ quản lý thuế và thanh toán điện tử; các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số…
Môi trường kinh tế số còn đặt ra thách thức gay gắt, đồng điệu cùng phát triển hay chấp nhận thụt lùi. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhận định: Kinh tế số dựa trên cơ sở công nghệ ứng dụng được trên mạng không gian Internet trong tương lai thậm chí còn lớn hơn cả kinh tế thực. “Chúng ta không những phải thay đổi tư duy, mà cả cung cách quản lý, bộ máy. Chỉ có dựa vào kinh tế số và chuyển đổi số chúng ta mới bảo đảm được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực”, ông Bùi Quang Tuấn nói.
Về khía cạnh cộng đồng, xã hội số áp dụng và tích hợp thông tin toàn diện, từ nơi ở, làm việc đến chỗ học tập, giải trí, qua đó giúp mọi người kết nối và cộng tác với nhau; tiếp cận nhanh mọi thông tin và thực hiện các dịch vụ thiết yếu họ mong muốn; mục tiêu là xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn. Điểm cốt lõi để xây dựng được xã hội số là Chính phủ, doanh nghiệp, người dân phải thích nghi và khai thác được các lợi ích vượt trội của bối cảnh phát triển mới; các chủ thể này phải chuyển đổi tư duy, tương thích mô hình hoạt động mới phù hợp.
Điều đáng mừng là Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định rõ: Năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GDP, đến năm 2030 trên 30%. Vì vậy để không tụt hậu, thua kém các nước, vấn đề đặt ra hiện nay chính là quyết liệt hành động.