Cháu tôi ở Tây Ninh, đang đi chơi thì bị chó cắn. Người nhà đưa ngay đến Trung tâm y tế lại gặp vào ngày lễ, cơ sở y tế không làm việc!
Hiện đang là ngày hè, các cháu thiếu niên, nhi đồng ở nông thôn đang tạm rời môi trường học tập, tách khỏi sự quản lý, giáo dục hàng ngày của các thầy cô giáo. Ở nhà, các cháu thường tự chơi, không ai quản lý, vì cha mẹ phải lo việc đồng áng hoặc chạy chợ buôn gánh bán bưng. Bao nhiêu hiểm họa ở nhà các cháu có thể gặp phải như: tai nạn giao thông, té sông, giếng, bị rắn cắn, chó cắn… Như chúng ta đã biết, mới từ đầu hè đến giờ đã có hai vụ trẻ em bị chết đuối và thật đáng buồn là cả hai vụ đều có thể cứu được nếu có người lớn bên cạnh.
Vậy trong điều kiện thiếu thốn mọi bề ở nông thôn hiện nay, làm thế nào để có thể quan tâm, chăm sóc các cháu thiếu nhi được tốt hơn? Thiết nghĩ nếu các cấp có thẩm quyền ở từng địa phương đặt ra được câu hỏi cụ thể như vậy đã là tốt lắm rồi. Vì, điều cần làm trước hết là huy động được mọi ngành, mọi người quan tâm chăm sóc các cháu.
Từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp hết sức cụ thể, thiết thực như tuyên truyền, vận động, quảng bá cho mọi người, mọi gia đình hiểu được tầm quan trọng của việc quan tâm chăm sóc trẻ, hiểu được những kiến thức sơ đẳng nhất, cần thiết nhất để phòng ngừa, ngăn chặn hiểm họa có thể đến với con em mình.
Đặt ra vấn đề này ở thành thị có vẻ là thừa, vì điều kiện môi trường sống của trẻ em ở thành thị khá tốt. Hệ thống tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, biện pháp của các ngành, các cấp xuống cơ sở thông qua khu phố, tổ dân phố đều vận hành khá trơn tru, mạch lạc. Thế nhưng, ở nông thôn thì lại khác. Người lớn chúng ta mà trước hết là chính quyền địa phương, hãy làm điều gì đó thiết thực để chăm lo tốt hơn cho trẻ em nghèo ở nông thôn.
Trần Quang Tuấn