Thờ ơ việc đội nón bảo hiểm cho trẻ

Theo khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù có quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm (NBH) đối với người đi mô tô, xe máy, nhưng đến nay tỷ lệ trẻ em đội NBH khi đi các phương tiện này chỉ chiếm 35% - 40%. 

 

 

Phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho con khi chở con đi đường
Phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho con khi chở con đi đường
An toàn của trẻ em bị bỏ quên

Ngày 29-6-2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Theo đó, để  giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông, kể từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe máy trên các tuyến đường bắt buộc phải đội NBH. Đến nay đã có trên 90% người tham gia giao thông chấp hành việc đội NBH, góp phần giảm thương vong do tai nạn giao thông. Việc đội NBH đã trở thành thói quen của người dân khi ra đường, thể hiện ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, an toàn của trẻ em lại đang bị chính cha mẹ bỏ quên. Khảo sát thực tế trên các đường phố tại TPHCM, dễ thấy có nhiều trẻ em không được cha mẹ cho đội NBH khi ngồi trên mô tô, xe máy. Nhiều phụ huynh có đem theo NBH nhưng không cho con đội.

Được hỏi lý do không cho con đội NBH, phụ huynh có nhiều cách giải thích. Chị Nguyễn Bích Ngọc (ở quận Bình Thạnh) cho biết: “Nhà tôi cách trường con học chỉ hơn 1km, đoạn đường quá ngắn, đi vài phút đã về tới nhà thì mắc chi phải đội NBH cho nặng đầu trẻ. Thà cứ đi chậm, đi cẩn thận còn hơn để con đội mũ nặng trịch và nóng bức”. Còn anh Phạm Văn Thi (ở quận 2) biện hộ: “Sáng mẹ đưa con đi học có cho con đội NBH, nhưng con đến trường không tiện mang NBH vào lớp, nên mẹ treo NBH trên xe đi làm luôn; chiều ba đón về thì con không có NBH”. Có người đổ thừa vì con không chịu đội NBH, đội vào nóng bức, ngứa đầu, con khó chịu nên tự ý tháo nón. Cũng có nhiều người cho rằng vì chưa thấy cảnh sát giao thông phạt trường hợp chở trẻ em không đội NBH, nên cũng thấy chưa cần cho trẻ đội NBH.

Chế tài chưa nghiêm

Chuyện bắt buộc đội NBH cho trẻ em trên 6 tuổi khi đi mô tô, xe máy đã được nhắc nhiều và đã có quy định chế tài. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 quy định, trẻ em trên 6 tuổi bắt buộc phải đội NBH khi đi mô tô, xe máy. Điều này cũng được quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Điều 9  Nghị định 34/2010, Điều 6 Nghị định 171/2013 và Điều 6 Nghị định 46/2016. Theo đó, phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với trường hợp đi mô tô, xe máy chở người ngồi trên xe không đội NBH hoặc NBH không cài quai đúng quy cách (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi).

Hàng năm, các trường học đều tổ chức các đợt tuyên truyền về việc đội NBH. Đặc biệt là dịp đầu năm học, các băng rôn, khẩu hiệu, pa nô thường được dán tại cổng trường, sân trường nhắc nhở phụ huynh đội NBH cho con em mình khi đưa rước các em. Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) còn thông báo nhắc nhở bằng loa. Trường Tiểu học Hàm Tử (quận 5) phân công giám thị ra tận cổng trường để nhắc các phụ huynh không đội NBH cho trẻ. Vậy mà nhiều phụ huynh chỉ đội NBH cho con trong và sau chiến dịch vận động vài ngày, sau đó lại tiếp tục thờ ơ. Có trẻ đòi phải có NBH mới lên xe vì “cô nhắc nhở vậy”, nhưng phụ huynh phớt lờ, hoặc bảo rằng, cô chỉ nói chơi vậy thôi chứ không cần thiết phải đội NBH. Trong khi đó, cảnh sát giao thông không để ý đến những trường hợp không đội NBH cho trẻ được chở trên mô tô, xe máy, nên suốt 10 năm qua, tại TPHCM chỉ có 1.920 trường hợp bị phạt vì không đội NBH cho trẻ em đi xe, càng khiến nhiều phụ huynh chưa quan tâm. Đã có quá nhiều trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, lẽ nào như vậy vẫn chưa đủ để cảnh báo các bậc phụ huynh?.

Tin cùng chuyên mục