Việc Bộ luật Lao động đang được Bộ Lao động Thương binh - Xã hội lấy ý kiến của các cá nhân, cơ quan, ban ngành chuyên môn về tăng thời gian nghỉ thai sản hưởng chế độ của người lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng là cần thiết. Tuy nhiên cần có một cuộc khảo sát thực tế lấy ý kiến xung quanh vấn đề pháp lý này đối với lao động nữ ở các cơ sở sử dụng lao động, công ty, doanh nghiệp… nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đôi bên, người lao động và người sử dụng lao động.
Từ đó những quy định pháp lý mang tính bắt buộc này trở nên hữu ích hơn với cả người lao động và người sử dụng lao động.
Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng là hợp lý đối với lao động nữ, bởi người mẹ được tăng thêm thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe sau khi sinh cũng như có thời gian nhiều hơn để gần gũi và chăm sóc con trẻ tốt hơn. Tuy nhiên việc nghỉ thai sản quá lâu, khi quay trở lại làm việc liệu lao động nữ có được công việc và mức lương như cũ?
Nhiều trường hợp sau khi nghỉ thai sản (theo mức 4 tháng như hiện nay) quay trở lại làm việc thì công việc đã được bố trí cho người khác, họ phải làm công việc mới với mức lương tương đương nhưng sẽ chịu nhiều áp lực hơn, thậm chí là mức lương thấp hơn. Điều này không thể “trách” doanh nghiệp bởi họ cần đảm bảo hoạt động. Nhưng như vậy liệu có đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản quay trở lại làm việc? Đó là chưa kể nhiều trường hợp họ đã bị sa thải vô lý và trái pháp luật lao động sau khi nghỉ thai sản.
Như vậy cần thiết phải quy định cụ thể sau khi nghỉ thai sản lao động nữ vẫn phải được sắp xếp, bố trí công việc và mức lương như cũ. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại của nhiều lao động nữ cho rằng nghỉ 4 tháng như hiện nay là vừa, nếu nghỉ lâu quá thì cũng sẽ mất thu nhập, cuộc sống khó khăn hơn.
Như vậy, nên chăng việc tăng thêm 2 tháng nghỉ thai sản đối với lao động nữ nên quy định là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động (nhưng không thấp hơn 4 tháng) để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đôi bên?
NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5)
Tăng thời gian nghỉ thai sản là hợp lý
Chị Đặng Thị Nụ, nhân viên bán hàng của một công ty tư nhân, vừa mới sinh con và cảm thấy khó có thể đi làm lại sau 4 tháng nghỉ thai sản theo quy định. Để chăm sóc con tốt hơn, chị làm đơn đề nghị được nghỉ thai sản thêm 2 tháng, không hưởng lương. Trường hợp như chị Nụ khá phổ biến.
Hiện xã hội đang tồn tại một nghịch lý là chế độ thai sản chỉ cho phép nghỉ 4 tháng, trong khi đó mạng lưới nhà trẻ chính quy chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Vì không có điều kiện gửi con nhỏ cho người thân và rất hiếm nhà trẻ tư nhân nhận giữ trẻ dưới 6 tháng đến 1 năm nên nhiều lao động nữ chọn phương án nghỉ việc không ăn lương để tự chăm sóc con nhỏ. Đây là một thiệt thòi cho chị em nghỉ thai sản và họ dễ lâm vào tình trạng bị mất việc làm.
Theo chuyên viên Nguyễn Hồng Liên (Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM), khảo sát ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, nơi có nhiều nữ công nhân, cho thấy đa phần đều đồng tình với chủ trương tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng. Bởi lẽ, rất ít nơi nhận giữ trẻ dưới 6 tháng và số đông chị em là lao động nhập cư nên không thể gửi con cho người thân.
Về phía chủ sử dụng lao động là người Việt Nam thì phần đông cũng đồng tình với việc sửa đổi Bộ luật Lao động, tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ. Tuy nhiên, nhiều chủ sử dụng lao động là người nước ngoài không đồng tình với chủ trương này và nại lý do khó sắp xếp lại công việc cho số lao động nghỉ thai sản.
Bà Nguyễn Hồng Liên khẳng định, dù có một số ý kiến chưa thuận nhưng việc sửa đổi quy định nghỉ thai sản, tăng thêm 2 tháng là cần thiết và phù hợp với mong muốn của đông đảo lao động nữ. Ở góc độ bảo vệ bà mẹ và trẻ em, được nghỉ thai sản dài hơn sẽ hợp lý hơn, tạo điều kiện cho chị em nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của trẻ.
Bên cạnh đó, lao động nữ cũng có thời gian để tái tạo sức lao động, đảm bảo sức khỏe sinh sản. Khi thời gian nghỉ thai sản tăng lên, chị em cũng có điều kiện nghỉ thai sản trước khi sinh 1 - 2 tuần, thay vì chọn sát ngày sinh mới nghỉ việc.
Trong kế hoạch sửa đổi một số điều của Bộ luật Lao động, dư luận mong chờ Quốc hội xem xét và thông qua đề nghị này.
KHÁNH HÀ