Do ảnh hưởng của dịch, ý tưởng về học trực tuyến - từ xa, với sự tương tác qua màn hình nhỏ đã không còn là vấn đề nan giải, chỉ tồn tại trong “thế giới ảo”. Đến nay, để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, chúng ta đang phổ cập kiến thức bậc phổ thông qua 14 kênh truyền hình phát liên tục 24/24, và cùng với đó là hàng chục ngàn lớp học trực tuyến, chủ yếu là các lớp trung học phổ thông, chưa kể hơn 90 trường đại học cũng tổ chức dạy và học trực tuyến.
Đáng nói nhất là các trường nghệ thuật, với đặc thù thị phạm, cần sự tương tác gần thầy - trò để “chuốt bài” cũng chuyển hướng khá nhanh khi các môn học mang tính chất lý thuyết được chuyển hết qua định dạng online. Nhưng hình thức học mới mẻ này không phải là không có vấn đề, phải nói là còn nhiều sự bỡ ngỡ. Trường nói phải trực tuyến nhưng xài phần mềm nào, cách thức học, chấm thi ra sao thì thầy trò đều thấy khó. Một lần, người viết được một cô giáo mời về nhà xem trực quan phương thức dạy - học trực tuyến để “cảm nhận nỗi vất vả chung mùa dịch”. Trong căn hộ chung cư, trước khi giảng bài, cô giáo thẹn thùng phân bua rằng mình dốt máy tính, trình độ chỉ đến mức viết “tút”, gửi “tút” trên phây, tất cả chuyện nối mạng, chuyển mạng đều phải nhờ con gái hướng dẫn. Giờ học bắt đầu lúc 3 giờ chiều, học trò đa phần ở tỉnh xa được chia làm 2 nhóm, dạy và học qua tiện ích ZOOM, một dạng video trực tuyến trước đây phải trả tiền nhưng nay đã được phép xài miễn phí.
Và thật khổ sở khi biết rằng học trò tỉnh xa, nhà nghèo “tự cung, tự cấp” nên không phải em nào cũng có laptop, có smartphone đủ tính năng nghe - nhìn để học. Nhiều em ở Cà Mau phải chọn một quán cà phê trên thị trấn cách nhà cả chục cây số, nơi có wifi đủ mạnh để ngồi nghe, mong ít nhiều vỡ vạc cách phân tích nhân vật trong tác phẩm kịch.
Tôi lặng người nghe thấy bên tiếng giảng bài của cô được hòa thêm cả tiếng gà vịt kêu, tiếng lao xao của cây cỏ và cả tiếng hát cải lương của bà ngoại đang ru cháu ngủ. Đang giờ học, một bạn, hình như là nhóm trưởng, xin phép cô ra ngoài ít phút để phụ má tưới cây “cô ơi, dưới con khô hạn, con không làm thì mấy cây chết hết!”. Thôi thì trồng cây cũng giống trồng người, thêm giọt nước cũng tốt, thêm kiến thức cũng tốt, vì tất cả đều vượt khó vươn lên trong giai đoạn bi kịch này. Mà cũng khổ cho nhà giáo, bình thường lên lớp 1, 2 tiết là xong, giờ cũng ngần đấy tiền, phải chia nhóm nói sa sả suốt buổi chiều. Làm nghệ thuật và dạy nghệ thuật - còn gì khổ hơn thời dịch Covid 19?
Học trò cô, lớp đang học, lớp đã ra trường đều phải bươn chải, làm đủ nghề tay trái, tay phải để nuôi thân mong có ngày trở lại sàn diễn. Từ tết đến giờ, gần như không ai còn nhớ thời gian, không ai còn nhớ thoại của vở diễn khi mà những đêm diễn đang tạm lùi vào quá khứ. Cô giáo dạy xong, vừa nhấp ngụm nước thì có tiếng chuông điện thoại… mời cô xuống nhà lấy con vịt xiêm vừa “síp” tới. Người bán và giao hàng là cựu học trò, là diễn viên một sân khấu kịch có tiếng, giờ tạm về quê Long An vặt lông vịt chờ dịch qua. Rồi một tiếng chuông điện thoại khác: cô ơi, cô xuống lấy sữa chua…
Nhưng dịch cũng là dịp để ngẫm nghĩ, làm giàu hơn trí tưởng tượng, sức sáng tạo. Không ít bạn trẻ chọn cách làm nghề nhờ vào các ứng dụng mạng như làm MV, làm các tiểu phẩm ngắn…và đơn giản là làm việc nhóm để hoàn thiện kịch bản từ một ý tưởng bất chợt nào đó. Tất cả đều thực hiện trực tuyến như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không dưới một lần nhấn mạnh, khó khăn là thách thức và cũng là cơ hội cho chúng ta bứt phá. Càng mừng hơn nữa, khi mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thầy cô và học sinh liên quan đến chương trình học từ xa của ngành GD-ĐT, hỗ trợ miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học …, như ông nói “gói hỗ trợ mùa Covid-19 ước tính là hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng”.