Hiện nay, tại các thành phố lớn có rất nhiều người sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN), điều này cho thấy dùng TPCN để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng toàn cầu. Ở nước ngoài, TPCN khá phổ biến, đa dạng về chủng loại, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe nhờ tác dụng tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể lực, giúp phòng bệnh, hỗ trợ điều trị - đặc biệt là đối với các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường...
Tuy nhiên hiện nay có không ít cơ sở kinh doanh và cá nhân bán hàng đa cấp cố ý thổi phồng thông tin, quảng cáo tuyên truyền về TPCN như là “thuốc chữa bá bệnh”, thậm chí chữa được cả bệnh nan y.
Do thiếu thông tin và hướng dẫn của thầy thuốc nên nhiều người bệnh tự mua và sử dụng TPCN, vừa dùng thuốc chữa bệnh lại vừa dùng TPCN mà không hiểu về mối tương tác giữa TPCN với thuốc, thậm chí có người bệnh tưởng rằng TPCN có công dụng như thuốc điều trị, khiến việc điều trị không đạt kết quả lại còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Rất nhiều thông tin lệch lạc, biến tướng khiến người tiêu dùng không nhận biết đâu là thật, đâu là giả.
Tôi có một người thân năm nay đã 76 tuổi, ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TPHCM) mắc bệnh tiểu đường và suy thận, nghe người quen giới thiệu một loại TPCN có thể chữa bệnh tiểu đường rất công hiệu đã bỏ ra gần 6 triệu đồng để mua về sử dụng. Chẳng những không thấy công hiệu đâu, chân lại phù thêm, mắt lòa hơn, đường huyết tăng rất cao, ông phải nhập viện điều trị gần 1 tháng. Khi ông ra viện, tôi đến thăm, ông than: “Tôi lỡ nghe theo lời quảng cáo, tiền mất, tật mang”.
Thiết nghĩ ngành y tế cần có quy định cụ thể rõ ràng, quản lý chặt chẽ TPCN, xử lý kịp thời đối với những trường hợp thông tin quảng cáo sai sự thật, không minh bạch, thổi phồng nhằm lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.
Đỗ Thông (Bình Thạnh, TPHCM)