Thủ tướng: Bộ KH-ĐT mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dẫn tới xin-cho, lợi ích nhóm

Ngày 19-2, tại buổi làm việc với Bộ KH-ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ đã kịp thời đánh giá rủi ro, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, qua đó, bãi bỏ quy hoạch gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ đã mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin-cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf...

Thủ tướng: Bộ KH-ĐT mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dẫn tới xin-cho, lợi ích nhóm ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Bộ KH-ĐT. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, bãi bỏ cơ chế xin-cho là hướng tiến bộ, là hướng đi chính của chúng ta. Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đổi mới tư duy để đáp ứng tình hình phát triển đất nước khi đây được xem là cơ quan "tham mưu trưởng" về kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT cần sớm đề xuất các giải pháp trước các nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, được đánh giá là còn rất lớn.

Lấy minh họa, Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức GDP của Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức của Hàn Quốc năm 2015.

Thủ tướng cũng lưu ý nguy cơ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ” hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Với phân tích đó, Thủ tướng đặt ra 5 bài toán lớn đối với Bộ KH-ĐT. Trong đó có việc phải hiến kế làm sao để có thể tạo bứt phá trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu, các ngành. Làm sao để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới, trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Làm rõ hành trình chiến lược đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng mong muốn Bộ KH-ĐT tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ để xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. “Trong phường anh có người chết mà anh mang giấy chứng tử tới tận nhà để chia buồn hay nhà có người mới sinh thì anh mang hoa đến tặng. Anh có làm được việc đó không? Mình phải có việc làm cụ thể vì dân”, Thủ tướng nêu ví dụ.

Đặc biệt, phải làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.

“Định hướng, tầm nhìn vào năm 2030 là Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục