Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch

Ngày 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công văn gửi các Phó Thủ tướng; Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19.
​ Thủ tướng Chính phủ phân công rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VIẾT CHUNG
​ Thủ tướng Chính phủ phân công rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VIẾT CHUNG

Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 tập trung thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, hiệu quả hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chỉ đạo, điều phối chung.

Đồng thời, Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tình hình thực tế, các kiến nghị, đề xuất của địa phương, người dân và doanh nghiệp để chỉ đạo các bộ, ngành xử lý ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm kịp thời yêu cầu phòng chống dịch, ổn định đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện, bổ sung các biện pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. Các Phó Thủ tướng trực tiếp xem xét, xử lý và quyết định theo quy định, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh được giao chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề về ngoại giao vaccine, thuốc chữa bệnh Covid-19; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, mua thuốc chữa bệnh từ nước ngoài; vận động tài trợ quốc tế về tài chính, vật tư, trang thiết bị, thuốc, vaccine…; các hoạt động đối ngoại khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, cơ chế mua sắm, giá các dịch vụ thiết yếu, các khoản hỗ trợ,… đối với doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người lao động xa quê, mất việc làm tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia; tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện mua trang thiết bị, vật tư y tế, phân bổ vaccine, nhập khẩu công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các chuỗi sản xuất, cung ứng vật tư, lương thực, thực phẩm, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu lớn, các điều kiện hỗ trợ việc duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nắm chắc tình hình, theo sát diễn biến tình hình dịch, các vấn đề phát sinh gây khó khăn trong đời sống, an ninh, an toàn của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt, sáng tạo xử lý kịp thời, hiệu quả, đề xuất các giải pháp hiệu lực hơn, hiệu quả hơn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.

Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh thành chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm ổn định đời sống, an ninh, an toàn cho người dân, bảo đảm các điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đồng thời bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng chống dịch, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Thủ tướng nêu rõ, dịch Covid-19 với biến chủng Delta diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường; công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa có tiền lệ. Vì vậy, chúng ta cần bám sát thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Đặc biệt cần coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, thực chất, không phô trương hình thức, lơ là chủ quan mất cảnh giác; tuyệt đối không quan liêu, xa dân, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Tin cùng chuyên mục