Thủ tướng: Dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, tránh đầu tư xong phải đi xử lý

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân thấp, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng: dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, tránh đầu tư xong phải đi xử lý. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng: dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, tránh đầu tư xong phải đi xử lý. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 21-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu nhiều nội dung quan trọng.

Thủ tướng biểu dương 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt từ 100% trở lên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhờ đó, tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, các tuyến cao tốc liên kết vùng được đẩy nhanh. Cùng với đó, tập trung xử lý các dự án tồn đọng, thua lỗ, kéo dài, báo cáo các cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền. Đặc biệt, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 310km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và nhiều công trình, dự án quan trọng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); nhờ rút kinh nghiệm, phân cấp cho các địa phương nên GPMB mới nhanh như vậy.

Tại hội nghị, các báo cáo và ý kiến phát biểu cũng đã chỉ ra rất cụ thể các tồn tại, hạn chế, gồm 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ, văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Giải ngân năm 2022 (tính đến hết tháng 1-2023) là trên 541.000 tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103.000 tỷ đồng) so với năm 2021.

Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021; 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28.600 tỷ đồng.

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cụ thể, trong đó có việc một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm; phân cấp, phân quyền cần được đẩy mạnh hơn nữa…

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất còn chậm, mới đạt 0,2%; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư hơn 2.800 tỷ đồng, cần sớm đề xuất cụ thể phương án xử lý; còn 14.151 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình chưa được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần khẩn trương báo cáo để giao kế hoạch trước ngày 31-3.

Thủ tướng cho rằng, ở nhiều nơi, do các dự án dàn trải nên phải làm nhiều thủ tục, mất rất nhiều công làm dự án nhưng hiệu quả mang lại thì ít, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả đầu tư giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

“Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023, tổ chức linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn. Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới.

Tin cùng chuyên mục