Thủ tướng: Sóc Trăng cần mở rộng lúa cao sản, phát triển nuôi và chế biến tôm

Theo Thủ tướng, Sóc Trăng tiếp tục giữ vững an ninh lương thực nhưng tập trung vào lúa cao sản... phát triển nuôi và chế biến tôm, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của cả nước vào năm 2020.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VGP
Ngày 23-4, nhân dịp về thăm và dự Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
 
Báo cáo với Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 đạt nhiều kết quả tích cực: Sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn; chăn nuôi tiếp tục phát triển, đặc biệt là đàn bò sữa gần 10.000 con, tăng 24% so với năm trước. Thiệt hại trong nuôi tôm giảm; khai thác hải sản được đẩy mạnh; công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng trưởng khá. Trong năm, có gần 8.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 17,89% xuống còn 15% (theo chuẩn tiếp cận đa chiều). Đồng chí Nguyễn Văn Thể cũng nhìn nhận Sóc Trăng vẫn là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn hơn 15% và phấn đấu năm nay giảm từ 2-3%...
 
Theo đồng chí Thể, trong năm 2017, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
 
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Đảng bộ, Chính quyền tỉnh có tinh thần đoàn kết, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, công khai, minh bạch, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đặt biệt là đã xác định một hướng ra có cơ sở khoa học để phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng thời gian tới.
 
Gợi ý giải pháp phát triển, Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng có nhiều lợi thế và cần tận dụng các lợi thế đó để phát triển. Theo Thủ tướng, trước hết là tiếp tục giữ vững an ninh lương thực nhưng tập trung vào lúa cao sản. Và đi liền đó là phát triển những loại trái cây lợi thế của Sóc Trăng. Theo Thủ tướng, quy mô nuôi tôm của tỉnh còn thấp, trong khi con tôm mang lại giá trị kinh tế cao. Sóc Trăng chỉ có 69.000 ha nuôi tôm là còn thấp nên cần phấn đấu như Bạc Liêu và Cà Mau để trở thành một trung tâm sản xuất tôm của ĐBSCL. Gợi ý hướng đi này, Thủ tướng mong muốn Sóc Trăng phát triển nuôi và chế biến tôm, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của cả nước vào năm 2020.
 
Thủ Tướng cũng lưu ý, Sóc Trăng cần phát huy các giá trị, lễ hội văn hóa đặc sắc ở địa phương, phát huy lợi thế có cảng đưa khách du lịch ra Côn Đảo để mang lại giá trị du lịch và dịch vụ cao. Thủ tướng cũng đồng ý với tỉnh phát triển mạnh công nghiệp để giải quyết việc làm, cùng với đó là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo dựa vào lợi thế tự nhiên của tỉnh là điện gió.
 
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp xử lý các kiến nghị của Sóc Trăng về vấn đề điều chỉnh bổ sung, mở rộng, đưa ra khỏi quy hoạch một số khu công nghiệp; phát triển hạ tầng cơ sở ở địa phương, trong đó có vấn đề bổ sung quy hoạch hạ tầng cảng biển.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Sóc Trăng phát huy những kết quả quan trọng đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo và có bước đột phá mạnh mẽ để đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào cuối nhiệm kỳ.
 
Trước đó, ngày 22-4, Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (4-1992 - 4-2017); thăm thiếu tướng Lê Hoàng Sương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng; thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Lưu Thị Tư (89 tuổi, ở Khóm 5, Phường 2, TP Sóc Trăng, có 2 con là liệt sĩ); thăm Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Khánh Sủng ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên); thăm dây chuyền kho trữ, công nghệ sấy và tiêu thụ gạo tại Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín (TP Sóc Trăng).

Tin cùng chuyên mục