Quy định về niêm yết giá đã có từ lâu (Nghị định 107/2008/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi gian lận thương mại), tuy nhiên cho đến nay, nhiều chợ, bãi giữ xe và trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc niêm yết giá khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi, đặc biệt vào thời điểm cận tết.
Trông mặt bắt hình dong?
Nằm ở mặt tiền đường Tháp Mười, thuộc địa bàn phường 2, quận 6, chợ Bình Tây được biết đến là một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất TPHCM. Mỗi ngày tại đây có hàng trăm tấn hàng được luân chuyển, càng gần tết, không khí mua bán càng nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, khi hỏi về quy định niêm yết giá hầu hết tiểu thương đều lắc đầu.
Chị Phượng, chủ sạp thực phẩm khô T.L giải thích: “Hàng hóa ở đây đa phần bán sỉ, giá cả phụ thuộc vào số lượng và quan hệ mối lái nên không cố định, nhiều khi cùng một mặt hàng nhưng mỗi đơn hàng lại có một mức giá khác nhau thì làm sao mà niêm yết!”.
Chuyện bán sỉ là vậy, còn bán lẻ? Chúng tôi đến một sạp hàng chuyên bán cặp táp, giỏ xách ngay đầu chợ hỏi mua một giỏ xách da Trung Quốc. Người bán ra giá 200.000 đồng, người mua trả giá, cuối cùng chiếc giỏ được bán 120.000 đồng. Liền sau đó, một vị khách nước ngoài cũng đến hỏi mua một chiếc giỏ tương tự nhưng lập tức người bán “hét” giá 400.000 đồng.
Tình trạng nói thách cũng xảy ra ở nhiều chợ khác như chợ Thị Nghè, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp)… Đa phần hàng hóa không được niêm yết giá, còn có thì lại niêm yết giá không đúng mà cao hơn giá thật 20.000 - 50.000 đồng.
Còn ở các khu trung tâm thương mại, việc niêm yết giá cũng chỉ được thực hiện ở các gian hàng lớn. Song, đáng kể là các bãi giữ xe phục vụ khách đi chợ hoặc vào bệnh viện.
Anh Hồ Thanh Hải, nhà ở đường An Dương Vương (quận 5), bức xúc nói: “Trước cửa chợ Bình Tây có gần chục điểm giữ xe gắn máy nhưng không điểm nào niêm yết giá. Khách gởi xe dưới hai giờ đồng hồ bị tính 4.000 đồng, còn lâu hơn thì vô chừng, 6.000 hoặc 8.000 đồng, cá biệt có nơi thu đến 10.000 đồng/chiếc với lý do bãi giữ xe… hết chỗ, phải gởi nhờ nhà bên cạnh” (?).
Nhân rộng mô hình kiểu mẫu
Số liệu thống kê từ Sở Tài chính và các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện trên địa bàn TPHCM cho thấy, trong năm 2010 đã có 409 vụ vi phạm về giá tại các chợ, bãi giữ xe và trung tâm thương mại, trong đó có 385 vụ phải ra quyết định xử phạt do vi phạm các lỗi về niêm yết giá.
Tuy nhiên, theo một cán bộ thuộc đoàn kiểm tra liên ngành quận 1, trên thực tế số lượng các điểm giữ xe và cửa hàng vi phạm còn rất nhiều, một số nơi sau khi bị nhắc nhở vẫn tiếp tục vi phạm.
Trong khi đó, lực lượng kiểm tra liên ngành có hạn, chỉ ra quân xử phạt theo từng đợt khiến hiệu quả xử phạt chưa cao. Giá giữ xe như thế, còn tại các chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn TP quy định về niêm yết giá chưa được chấp hành khiến việc mua bán phải mặc cả trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, tình trạng người bán tăng giá, móc túi người tiêu dùng vẫn phổ biến.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành (quận 1), bày tỏ: “Các đơn vị cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về niêm yết giá vì đây là một trong những biện pháp quản lý kinh doanh hiệu quả nhất, tránh được tình trạng té nước theo mưa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.
Chợ Bến Thành nhiều năm trước nổi tiếng nói thách nhưng nay tình trạng này đã được cải thiện đáng kể, 100% quầy hàng thực hiện quy định niêm yết giá. Có được thành quả trên là nhờ nỗ lực của ban quản lý chợ trong việc triển khai mô hình “bảo vệ quầy hàng”, mỗi cán bộ được giao trách nhiệm quản lý 30 - 50 quầy hàng, trong đó quản lý về giá được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quầy hàng nào bị phát hiện gian lận về giá có thể bị đình chỉ kinh doanh 1 - 7 ngày.
Riêng những quầy chấp hành tốt các quy định về niêm yết giá sẽ được chọn làm quầy hàng kiểu mẫu để những quầy khác noi theo, mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh, tạo được tin tưởng cho khách hàng, góp phần xây dựng văn minh thương mại ở ngôi chợ trung tâm thành phố.
Thu Tâm