Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư

Các hoạt chất tự nhiên có trong ớt (capsaicin), nghệ (curcumin), tiêu (piperine) và cam thảo (glycyrrhizin) đã được chứng minh có nhiều tác dụng tương tự nhau như kháng viêm, giảm đau, tăng lực và đặc biệt là khả năng kháng ung thư mạnh… Trên cơ sở đó, nhóm các nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Bằng (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM) và TS Đàm Sao Mai (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) đã tiến hành nghiên cứu phối trộn các hoạt chất với nhau tạo sản phẩm an toàn, hướng tới tạo thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư.

Theo nhóm nghiên cứu, các hoạt chất trên đã được các nhà khoa học trên thế giới chứng minh có hiệu quả trong điều trị ung thư. Ngoài ra, liều gây độc và liều hiệu quả của mỗi chất cũng đã được biết rõ. Tuy nhiên, khi thí nghiệm trực tiếp trên động vật, các hoạt chất này khó hấp thụ, dễ bị phân giải, nên để đạt được hiệu quả cần sử dụng liều cao, kết quả gây khó chịu, thậm chí gây độc cho cơ thể. Cho nên, việc phối trộn các hoạt chất với nhau nhằm giảm hàm lượng của mỗi chất nhưng vẫn giữ hoặc nâng cao một số tác động dược lý của chúng đã được nhóm nghiên cứu đặt ra.

TS Đàm Sao Mai cho biết: “Nhóm chiết xuất các hoạt chất trong nguyên liệu bằng phương pháp ngấm kiệt qua phân đoạn dung môi thích hợp. Bay hơi dung môi bằng phương pháp cô quay để thu cao chiết. Phối trộn các hoạt chất theo tỷ lệ tính toán, tạo bội hỗn hợp bằng phương pháp sấy phun, rồi dùng máy dập viên nang capsule với lượng 500mg hỗn hợp/viên nang trong phòng vô trùng”. Sau khi hoàn thành công đoạn phối trộn và tạo viên nang, nhóm bắt tay vào thí nghiệm trực tiếp trên chuột nhắt trắng (sau 2 ngày nuôi cấy tế bào ung thư) trong 3 ngày.

Kết quả cuối cùng, số lượng bạch cầu, hồng cầu của chuột nhắt trắng hoàn toàn bình thường, nội tạng không có dấu hiệu bị tổn thương. Cũng theo đồ thị phân tích tác động của thuốc lên tế bào ung thư Hep G2, trong 2 ngày đầu, tác động gây chết tế bào thấp, tỷ lệ chết tế bào tăng mạnh vào ngày thứ 5.

Từ những kết quả đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy sản phẩm làm giảm khả năng sống của tế bào phụ thuộc liều và thời gian tác động. Nhóm cũng tiến hành quan sát tế bào khi chết, nhận thấy tế bào bị tác động có nhiễm sắc thể cô đặc, thể tích nhỏ hơn tế bào bình thường. Từ đó, nhóm kết luận tế bào bị tác động của thuốc mang đặc điểm tế bào apoptotic.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, sản phẩm cho kết quả tốt và hoàn toàn không gây độc tính ở liều hiệu quả. Thêm vào đó, sản phẩm gây chết tế bào ung thư bằng cách cảm ứng con đường apoptosic (chết tế bào theo lập trình) chứ không phải gây độc tế bào. Điều này cho thấy sản phẩm có tiềm năng ứng dụng lớn, có thể tiến hành các nghiên cứu trên những đối tượng lớn hơn, cũng như nghiên cứu cận lâm sàng, nhằm tạo ra một sản phẩm mới hỗ trợ hiệu quả cho điều trị ung thư.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục